Đề xuất hạ vốn pháp định của doanh nghiệp BĐS
VOV.VN -Vốn pháp định của công ty BĐS không cần tới 50 tỷ đồng, nhưng cũng không được thấp hơn 20 tỷ đồng...
Đó là đề xuất của ông David Lim - Trưởng Tiểu Nhóm Công tác Đất đai tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội khi trình bày ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định về Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS).
Ông David Lim cho rằng, yêu cầu doanh nghiệp BĐS phải đảm bảo vốn pháp định là 50 tỷ đồng sẽ tác động nghiêm trọng đến các dự án đã được cấp phép và đang được thực hiện. Ngay cả yêu cầu mức vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng là đã quá cao đối với các dự án quy mô nhỏ. Thậm chí các công ty có tiềm lực tài chính mạnh cũng sẽ cân nhắc liệu có hợp lý về mặt thương mại không khi phải góp rất nhiều vốn cho một dự án có tổng vốn đầu tư rất thấp, ông cho hay.
Yêu cầu mức vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng là đã quá cao đối với các dự án quy mô nhỏ. |
Theo ông David Lim, hiện nay có rất nhiều dự án đang được thực hiện trôi chảy và rất khó hiểu vì sao lại cần thiết tăng vốn như vậy. Điều này cũng gây ra một ấn tượng không tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp rằng các luật và quy định đã được thi hành vẫn có thể bị thay đổi bất kỳ lúc nào.
Về thời hạn góp vốn, ông David Lim đề nghị đưa vào các quy định cho phép góp vốn theo tiến độ thực hiện dự án, đồng thời cần có sự linh hoạt đối với thời gian gia hạn để tiến hành góp vốn trong các dự án quy mô lớn.
Bên cạnh đó, quy định người nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ của mỗi dự án nhà ở tại Dự thảo lần bốn Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở, theo ông David Lim là đã bị giới hạn thêm và không thống nhất với Luật Nhà ở.
Cũng liên quan đến việc sở hữu nhà ở của người nước ngoài, dự thảo quy định “tổ chức, cá nhân nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở tại các khu vực cấm hoặc hạn chế người nước ngoài cư trú, đi lại theo quy định của pháp luật về cư trú, đi lại”. Theo nhận định của ông David Lim thì những hạn chế trên có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong lĩnh vực bất động sản. Điều này dẫn đến nhà đầu tư sẽ lo ngại gặp phải rất nhiều khó khăn để tiến hành đầu tư vào Việt Nam.
Ông cũng nhấn mạnh, việc chậm ban hành các quy định hướng dẫn cần thiết cũng gây ra cản trở lớn cho nhà đầu tư. Ngoài ra, các thủ tục hành chính cần phải được đơn giản hóa để nhà đầu tư có thể tiến hành mọi việc nhanh chóng./.