Đề xuất tháo gỡ vướng mắc GPMB dự án ĐH Quốc gia Hà Nội

(VOV) - Do trước đây chưa có quy hoạch chi tiết nên việc mua bán, chuyển nhượng, đang gây khó khăn cho công tác đền bù

 

Mô hình dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc

Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất nằm trong quy hoạch chuỗi đô thị Miếu Môn- Xuân Mai- Hòa Lạc – Sơn Tây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 372/ QĐ-TTg ngày 2/6/1997. Theo Quyết định số 975/ QĐ-UBND ngày 15/7 của UBND tỉnh Hà Tây, huyện Thạch Thất đã thực hiện bồi thường và bàn giao hỗ trợ và bàn giao cho chủ đầu tư 513/860,6 ha.

Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2009: do chưa có quy hoạch chi tiết, chưa tổ chức cắm mốc quy hoạch và việc quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng của chính quyền địa phương và nông trường 1 A (chủ sử dụng đất) trước đây còn nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ và chưa có biện pháp ngăn chặn xử lý các trường hợp vi phạm nên việc mua bán, chuyển nhượng, chia tách đất nhận giao khoán và xây dựng nhà ở của các hộ gia đình, cá nhân vẫn tiếp tục diễn ra trên đất Nông trường 1A.

Khó khăn do buông lỏng quản lý

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo đẩy nhanh công tác GPMB đối với diện tích còn lại, nhưng tiến độ chậm.

Báo cáo cáo của UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, thời điểm xác định việc sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất để áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (Quyết định số 1327 của UBND tỉnh Hà  Tây) chưa có quy hoạch chi tiết của chuỗi đô thị và chưa có mốc giới, chỉ giới. Cùng với đó là sự buông lỏng quản lý  đất đai của chính quyền và Nông trường 1A. Do đó, nếu lấy theo thời điểm ban hành Quyết định 1327 để xác định chủ sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất vi phạm hay không vi phạm, từ đó áp dụng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sẽ gây khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn.

Để giải quyết vướng mắc trong việc sử dụng hồ sơ, tài liệu, không trích đo địa chính thửa đất… làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ GPMB, liên quan đến kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, UBND thành phố, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép sử dụng các tài liệu hiện có làm cơ sở để xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Thế nhưng, tài liệu hiện có là giấy tờ được Nông trường cấp hoặc giấy tờ cá nhân tự kế hoặc viết tay không được cơ quan hoặc đơn vị nào xác nhận đóng dấu. Do đó, cần xác định, quy định cụ thể những giấy tờ, tài liệu được sử dụng làm cơ sở để xem xét xác nhận nguồn gốc sử dụng nhà đất, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Mặt khác, thực tế có một số thửa đất trên bản đồ địa chính được lập năm 2001 trên cơ sở đo gộp diện tích đất của các hộ và không rõ ràng giới hạn sử dụng đất của từng hộ. Do vậy, việc trích đo địa chính từng thửa gặp khó khăn, có chỗ không thực hiện được.

Đối với các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất do Nông trường 1A giao khoán, nhận chuyển nhượng của người được giao khoán, đất tự sử dụng… không thuộc diện được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Công tác GPMB được triển khai qua nhiều năm, theo quy định của Luật Đất đại năm 1993 và 2003 và cơ chế chính sách theo quy định của tỉnh Hà Tây trước đây và Hà Nội hiện nay và một số chính sách đã áp dụng đối với diện tích GPMB 513 ha, Thanh tra Chính phủ đã kết luận chưa phù hợp với Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, nếu thực hiện mức hỗ trợ khác nhau so với mức đã áp dụng trước đây, sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, do việc so bì, thắc mắc, kiến nghị của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

Đề nghị được “nới lỏng” cơ chế để đền bù

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên và đẩy nhanh tiến độ GPMB phần diện tích còn lại, thành phố Hà Nội đề nghị, Thủ tướng cho phép lấy mốc thời điểm cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định thu hồi đất ngày 15/7/2003 hoặc Thông báo thu hồi đất để xác định chủ sử dụng đất và tài sản hình thành trên đất, làm cơ sở xem xét, áp dụng cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để lập và phê duyệt phương án cho sử dụng đất.

Hiện, do toàn bộ diện tích đất trong phạm vi thực hiện dự án thuộc quyền quản lý của Nông trường 1A nên các tổ chức, gia đình cá nhân được Nông trường 1A giao khoán đất không được bồi thường về đất.

UBND Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố hỗ trợ về đất theo quy định của pháp luật cho các hộ di chuyển GPMB tương tự như đã thực hiện với diện tích đất đã GPMB mức hỗ trợ theo Thành phố quyết định theo quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ- CP của Chính phủ. Cho phép chỉ đạo UBND huyện Thạch Thất, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Phát triển đô thị đại học và các UBND xã nằm trong chỉ giới đường GPMB dự án được sử dụng các hồ sơ, tài liệu hiện có làm căn cứ để xác minh nguồn gốc, loại đất, quá trình sử dụng nhà, đất để lập phương án bồi thường. hỗ trợ và tái định cư.

Trường hợp thửa đất có nhiều hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng thì diện tích để lập phương án bồi thường, hỗ trợ lấy theo diện tích thực tế của từng hộ gia đình,cá nhân sử dụng, nhưng tổng diện tích của các hộ không vượt quá diện tích của thửa đất trên bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1000 lập năm 2001. Các hộ gia đình, cá nhân trong diện được đền bù được lấy từ danh sách hộ nhận khoán đất nông nghiệp (kể cả được tạm giao đất làm nhà ở) của nông trường lập tháng 6/2001 và có dấu của nông trường.

Đối với các văn bản, tài liệu khác gồm: Bản đồ địa chính 1/000 đo và vẽ bổ sung năm 2004… và các tài liệu khác không có dấu xác nhận của nông trường chỉ được dùng để tham khảo kiểm tra, đối chiếu, xác minh theo danh sách trong các tài liệu được dùng làm căn cứ cơ sở xác định nêu trên.

Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển đô thị đại học có trách nhiệm xác nhận nội dung: người được giao đất, thời điểm giao đất, loại đất và mục đích giao đất, diện tích được giao, diện tích bị thu hồi… sau đó chuyển cho UBND cấp xã bị thu hồi đất làm căn cứ để xác định quá trình sử dụng đất.

Trong trường hợp các hồ sơ, tài liệu hiện có không ghi rõ vị trí thửa đất được giao cho hộ, chưa có đủ căn cứ để xác nhận tên chủ sử dụng của từng thửa đất hoặc các văn bản, tài liệu các hộ dân cung cấp không khớp với hồ sơ, tài liệu đang quản lý sẽ phải tổ chức hội nghị tư vấn để lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn của xã và các hộ từng cư trú trong khu vực tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất để UBND xã xác nhận.

Đất được nông trường giao khoán hoặc chuyển nhượng, lấn chiếm khi Nhà nước thu hồi không được bồi thường mà chỉ được hỗ trợ về đất.

UBND Thành phố cho rằng, thực tế có nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, làm nhà ở ổn định trước thời điểm có Quyết định thu hồi đất ngày 15/7/2003. Vì vậy căn cứ quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ và để phù hợp với mặt bằng chính sách hỗ trợ và tái định cư đang áp dụng trên địa bàn Hà Nội và huyện Thạch Thất hiện nay, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND thành phố Hà Nội được thực hiện một số chính sách đặc thù về hỗ trợ đất, công trình xây dựng trên đất và tái định cư để thực hiện công tác GPMB, theo nguyên tắc: Đảm bảo phù hợp về mức hỗ trợ và thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ. Hạn chế thấp nhất về chênh lệch (giảm) so với mức hỗ trợ đã áp dụng trước đây; đảm bảo phù hợp mặt bằng chính sách đang áp dụng trên địa bàn Thành phố.

Các trường hợp là cán bộ công nhân của nông trường 1 A được giao đất trái thẩm quyền, đã làm nhà ổn định không có tranh chấp trước thời điểm thu hồi đất được xem xét hỗ trợ về đất (mức hỗ trợ tối đa bằng đơn giá xây dựng mới)  và tài sản trên đất (mức hỗ trợ tối đa bằng đơn giá xây dựng mới). Phần diện tích đất nông, lâm nghiệp được giao khoán: hỗ trợ không vượt quá 50% giá đất được giao cùng loại với diện tích tối đa không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Các trường hợp sử dụng đất làm nhà ở khác được xem xét hỗ trợ về đất 30-50% về giá đất ở; tổng diện tích hỗ trợ không quá diện tích được giao ban đầu và tài sản trên đất 10-80%. Phần diện tích đất nông, lâm nghiệp hỗ trợ không quá 10-30% giá đất cùng loại, với diện tối đa không vượt quá hạn mức giao đất.

Các trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang ăn ở tại nơi thu hồi đất, phải di chuyển chỗ ở được xem xét giao đất tái định cư với chính sách phù hợp với nguồn gốc nhà, đất. Kèm theo hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ gia đình,cá nhân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bàn giao chủ đầu tư dự án Đại học Quốc gia Hà Nội trước 15/11
Bàn giao chủ đầu tư dự án Đại học Quốc gia Hà Nội trước 15/11

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong buổi làm việc với lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan chiều 22/10.

Bàn giao chủ đầu tư dự án Đại học Quốc gia Hà Nội trước 15/11

Bàn giao chủ đầu tư dự án Đại học Quốc gia Hà Nội trước 15/11

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong buổi làm việc với lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan chiều 22/10.