Giảm tồn kho bất động sản: Cách nào?

VOV.VN - Lượng tồn kho hàng hóa trong lĩnh vực bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh lên đến hơn 11.600 tỷ đồng.

Thị trường bất động sản tại TP HCM từ đầu năm đến nay đã có sự phục hồi rõ rệt, với lượng giao dịch tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sau nhiều năm “đóng băng”, lượng tồn kho hàng hóa trong lĩnh vực này tại thành phố lên đến hơn 11.600 tỷ đồng.

Cùng với những chính sách của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, chính quyền TP HCM và các doanh nghiệp đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm hàng tồn kho, từng bước đưa thị trường bất động sản thoát ra khỏi khủng hoảng.

Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, lượng bất động sản tồn kho cả nước còn khoảng 60.299 tỉ đồng, giảm 3.444 tỉ đồng so với một tháng trước đó. Tại TP HCM, tổng giá trị tồn kho hiện nay còn 11.658 tỷ đồng, giảm 337 tỷ đồng so với tháng 7/2015. Trong đó, tồn kho chung cư là 4.941 căn, tương đương 8.411 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng là 574 căn, tương đương 1.607 tỷ đồng; tồn kho đất nền nhà ở là 264.629 m2, tương đương 1.203 tỷ đồng; tồn kho đất nền thương mại là 34.318 m2, tương đương 437 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân khiến lượng bất động sản tồn kho tại TP HCM liên tục giảm trong hơn 1 năm vừa qua. Trong đó, phải kể đến sự năng động và linh hoạt của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

 

Chung cư Lê Thành Tân Tạo cho thuê 49 năm với giá 350 triệu đồng là một trong những nỗ lực giảm tồn kho bất động sản tại TP HCM.
Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Việt Nam cho biết, để tồn tại trong thời điểm khó khăn, mỗi doanh nghiệp có một hình thức khác nhau.

“Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Việt Nam tận dụng những quỹ đất, khai thác loại hình bất động sản mang tính đầu tư vừa phải. Điều này tạo được thu nhập nhanh nhưng mang lại lợi ích cho xã hội như xây dựng chợ và các Trung tâm thương mại. Mục đích của doanh nghiệp là chuyển đổi những loại hình bất động sản thu hồi vốn lâu sang loại hình bất động sản có chu kỳ thu hồi vốn nhanh hơn”, ông Hoàng cho biết.

Là đô thị lớn nhất cả nước với gần 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng mỗi năm, TP HCM là nơi có lượng cầu rất lớn về căn hộ cho thuê. Các chuyên gia về lĩnh vực bất động sản cho rằng, phân khúc căn hộ cho thuê sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Nắm bắt được xu hướng đó, một số doanh nghiệp đã đầu tư phát triển các dự án căn hộ cho thuê với diện tích từ 35 đến 50m2.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành cho biết, thời gian vừa qua, khi thị trường bất động sản đóng băng, các doanh nghiệp phải tự chủ động tìm các giải pháp và phát huy thế mạnh cho doanh nghiệp mình.

“Doanh nghiệp Lê Thành đi theo dòng sản phẩm mới là sản phẩm nhà cho thuê. Khách hàng doanh nghiệp hướng đến là những người trẻ, mới ra trường đang muốn có một chỗ ở ổn định để lập gia đình và sinh con. Những đối tượng này chưa đủ điều kiện để sở hữu một căn nhà. Họ sẽ trả một nguồn tiền giống như thuê, nhưng chỉ vài năm sau là họ có căn nhà ở đến 50 năm”, ông Nghĩa cho hay.

Năm nay, TP HCM đã chấp thuận cho hơn 10 doanh nghiệp chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, dịch vụ, hoặc chuyển đổi căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ. Động thái này đã góp phần tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở quy mô vừa và nhỏ để đáp ứng nhu cầu đối với người có thu nhập trung bình. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, với quan điểm là phải tự cứu mình, các doanh nghiệp đã thực hiện tất cả những biện pháp có thể để giải phóng hàng tồn kho bất động sản.

“Các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều hình thức như khuyến mãi, chia nhỏ căn hộ hoặc chuyển dự án nhà ở thương mại qua nhà ở xã hội rồi cấu trúc lại các dự án. Thậm chí, các doanh nghiệp còn mua bán, chuyển nhượng dự án cũng rất sôi động. Tất cả đều nhằm mục đích giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu trên thị trường bất động sản”, ông Châu chỉ rõ.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, những chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm 2015 rất đúng và trúng, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong cả nước hồi phục mạnh mẽ, trong đó có việc cấu trúc lại thị trường.

Cụ thể theo ông Nam, tại TP HCM, các doanh nghiệp cũng đã cơ cấu lại doanh nghiệp của mình để từng bước vượt qua khó khăn. Các hoạt động sáp nhập doanh nghiệp, sang nhượng dự án cũng diễn ra mạnh mẽ. Sản phẩm bất động sản tại thành phố cũng được đa dạng hóa để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, chuyển từ khu vực dư thừa sang khu vực đang thiếu nguồn cung.

So với Hà Nội, TP HCM không có nhiều dự án bất động sản lớn bằng, nhưng lượng cung trong lĩnh vực này nhiều hơn và khách hàng cũng đa dạng hơn. Nắm bắt được điều này, các doanh nghiệp đã áp dụng những biện pháp “lấy ngắn nuôi dài”.

Về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, đây là chủ trương đúng của Chính phủ nhằm hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp ở đô thị tiếp cận nhà ở. Việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ này tuy mới đạt hơn 25% nhưng cũng đã có tác động tích cực trong việc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển hơn trong thời gian qua.

“Các doanh nghiệp của TP HCM rất năng động. Họ áp dụng liên tục các hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hội nghị khách hàng, tham quan, khởi công rồi các hình thức tiếp thị sản phẩm khác. Cùng với các chính sách rất cơ bản của Chính phủ được triển khai, thị trường bất động sản tại TP HCM đang có sự sôi động trở lại rất mạnh mẽ”, ông Nam khẳng định.

Một tín hiệu đáng mừng khác là trong 8 tháng qua, TP HCM đã có 327 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 2,31 tỉ USD. Trong đó, lĩnh vực bất động sản dù chỉ có 5 dự án đầu tư mới nhưng số vốn cam kết đầu tư lên đến 1,428 tỉ USD, nhiều nhất so với các lĩnh vực đầu tư khác.

Số vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản tại thành phố chiếm gần 78,5% tổng vốn cam kết của doanh nghiệp FDI vào bất động sản cả nước trong 8 tháng qua. Điều đó cho thấy nhiều doanh nghiệp tin vào thị trường bất động sản TP HCM sẽ được phục hồi trong một thời gian không xa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tồn kho bất động sản giảm hơn 55.000 tỉ đồng
Tồn kho bất động sản giảm hơn 55.000 tỉ đồng

Tồn kho bất động sản đã giảm hơn 55.000 tỉ đồng và nhưng vẫn tồn dư hơn 73.000 tỉ đồng.

Tồn kho bất động sản giảm hơn 55.000 tỉ đồng

Tồn kho bất động sản giảm hơn 55.000 tỉ đồng

Tồn kho bất động sản đã giảm hơn 55.000 tỉ đồng và nhưng vẫn tồn dư hơn 73.000 tỉ đồng.

Nghị quyết 02 trong việc giải phóng tồn kho bất động sản
Nghị quyết 02 trong việc giải phóng tồn kho bất động sản

(VOV) - Nhiều doanh nghiệp đã đề xuất giải pháp tích cực tháo gỡ cho thị trường bất động sản hiện nay.

Nghị quyết 02 trong việc giải phóng tồn kho bất động sản

Nghị quyết 02 trong việc giải phóng tồn kho bất động sản

(VOV) - Nhiều doanh nghiệp đã đề xuất giải pháp tích cực tháo gỡ cho thị trường bất động sản hiện nay.

Thị trường bất động sản "tồn kho" 11.693 căn hộ chung cư
Thị trường bất động sản "tồn kho" 11.693 căn hộ chung cư

Tồn kho căn hộ chung cư tại Hà Nội là 791 căn, tương đương 884 tỷ đồng và tại TP HCM là 4.941 căn, tương đương 8.411 tỷ đồng.

Thị trường bất động sản "tồn kho" 11.693 căn hộ chung cư

Thị trường bất động sản "tồn kho" 11.693 căn hộ chung cư

Tồn kho căn hộ chung cư tại Hà Nội là 791 căn, tương đương 884 tỷ đồng và tại TP HCM là 4.941 căn, tương đương 8.411 tỷ đồng.

Tăng tỷ giá tác động thế nào đến thị trường bất động sản?
Tăng tỷ giá tác động thế nào đến thị trường bất động sản?

Các chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ có tác động tăng giá nhất định tới lĩnh vực BĐS nhưng sẽ không cao.

Tăng tỷ giá tác động thế nào đến thị trường bất động sản?

Tăng tỷ giá tác động thế nào đến thị trường bất động sản?

Các chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ có tác động tăng giá nhất định tới lĩnh vực BĐS nhưng sẽ không cao.