Hỗ trợ vốn xây nhà trọ cho công nhân thuê
VOV.VN-Bộ Xây dựng đưa mô hình nhà trọ cho công nhân vào diện nhà ở xã hội và sẽ hỗ trợ về vốn, quy hoạch, xây dựng.
Nằm sâu trong một con đường đất đỏ cạnh khu công nghiệp Cát Lái, dãy nhà trọ dành cho công nhân của gia đình bà Nguyễn Bích Phượng, ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 lúc nào cũng chật cứng người.
Những căn phòng chỉ khoảng hơn 10 m2, chen chúc nhau 4 – 5 người. Trong đó phần lớn diện tích được dùng làm nhà bếp và nhà vệ sinh. Do giá thuê mềm, bà chủ thường cho công nhân thiếu tiền nhà, nên nhiều công nhân, đặc biệt là những công nhân nữ ở Khu công nghiệp này thích tìm đến đây để thuê.
Chị Bùi Thị Huệ, công nhân khu công nghiệp Cát Lái nói: “Nhà trọ của tôi chỉ có 12 m2. Công nhân đến đây ở rất nhiều”.
Công nhân sống trong khu lưu trú KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM |
Mặc dù một số nơi, chủ nhà trọ đã đầu tư xây dựng phòng trọ và hỗ trợ cho người lao động về giá thuê phòng, nhưng nhìn chung các khu nhà trọ do dân tự xây vẫn còn mang tính tự phát, chưa đúng quy chuẩn. Vì vậy, mô hình xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân đã nhận được sự đồng thuận tích cực từ nhiều chủ nhà trọ. Bà Huỳnh Thị Thành, chủ nhà trọ ở đường số 3, phường Linh Trung, quận Thủ Đức nói: Nhà nước rất quan tâm, hỗ trợ chúng tôi và muốn xã hội phát triển. Chúng thấy vô cùng cảm động”.
Hiện thành phố Hồ Chí Minh có khoảng gần 20.000 hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động thuê, đáp ứng được tới 80 – 90% nhu cầu chỗ ở cho công nhân và lao động nghèo.
Diện tích bình quân mỗi phòng khoảng 10 – 18 m2, giá thuê từ 1 triệu đến 1,2 triệu/tháng. Mức chi phí được coi là hợp lý đối với người có thu nhập thấp.
Sau khi khảo sát tại các khu nhà trọ cho công nhân do người dân tự xây dựng tại quận Thủ Đức và Khu lưu trú công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Nhà nước sẽ công nhận, hỗ trợ về vốn và quy hoạch để khuyến khích người dân cùng tham gia xây dựng nhà ở cho người lao động. Từ đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, người lao động, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Trịnh Đình Dũng đánh giá: "Các hộ gia đình có vai trò quan trọng trong việc cung ứng chỗ ở cho công nhân, vì vậy công nhận mô hình nhà trọ là nhà ở xã hội và tạo ưu đãi cho mô hình này là hết sức cần thiết: Chúng ta phải có sự hỗ trợ của nhà nước, chứ không thể để người dân một mình bươn trải được. Chẳng hạn như hỗ trợ về tín dụng, quy hoạch. Người dân có đất sẽ được cho phép làm nhà ở, cho thuê, theo quy hoạch chung của tổng thể khu vực và không hạn chế…”.