Lo ngại đề xuất giảm diện tích căn hộ nhà ở xã hội
VOV.VN - Bộ Xây dựng vừa đề xuất hạ diện tích tối thiểu của căn hộ nhà ở xã hội từ 30m2 xuống còn 25m2.
Nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người thu nhập thấp, mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố Dự thảo Nghị định Quản lý và phát triển nhà ở xã hội, trong đó đề xuất hạ diện tích tối thiểu của căn hộ nhà ở xã hội từ 30m2 xuống còn 25m2. Mặc dù căn hộ diện tích nhỏ phù hợp hơn với những người thu nhập thấp và trung bình, tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, căn hộ siêu nhỏ này sẽ làm tăng áp lực cho đô thị.
Nguy cơ tăng áp lực cho đô thị
Hạ diện tích tối thiểu của các căn hộ nhà ở xã hội xuống còn 25 m2 sàn, thay vì 30 m2 đồng nghĩa với việc giảm áp lực tài chính, mở ra nhiều cơ hội mua nhà cho người thu nhập thấp. Loại căn hộ này sẽ phù hợp với những người sống độc thân hoặc các gia đình trẻ– một trong những đối tượng chủ yếu đang phải thuê nhà trọ hiện nay.
Theo thống kê, số hộ gia đình có từ 3 người trở xuống chiếm 48% tổng số lượng gia đình của khu vực đô thị cả nước. Trên thế giới, giá trung bình của một căn hộ gấp 7 lần thu nhập người dân, trong khi ở Việt Nam, con số này lên đến 26 lần.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, việc ra đời các căn hộ nhỏ chỉ 25 m2 sẽ làm tăng áp lực lên hạ tầng đô thị. Trong khi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang tìm các giải pháp nhằm giãn dân nội thành ra ngoại thành, thì việc cho phép phát triển các căn hộ chung cư siêu nhỏ sẽ khiến mật độ dân số tăng; nhu cầu giao thông, bãi đỗ xe, bệnh viện, trường học,… ngày càng quá tải.
Phải giải quyết tốt vấn đề hạ tầng
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân tích: “Ở góc độ kiến trúc và quy hoạch thì khi đô thị xuất hiện loại căn hộ nhỏ thì chúng ta hình dung ra ngay mà mật độ dân số sẽ tăng, tăng cả về hạ tầng như nơi chứa các phương tiện.”
Theo KTS Đức, nếu xuất hiện loại nhà ở xã hội nhỏ 25m2 thì cần chú ý là tỉ lệ dân số tăng lên thì phải giải quyết tốt vấn đề hạ tầng.
Bộ Xây dựng thừa nhận, nếu không có quy định chặt chẽ khống chế tỷ lệ căn hộ nhỏ trong từng dự án, sẽ rất dễ làm tăng thêm áp lực hạ tầng đô thị. Vì vậy, dự thảo Nghị định này cũng đề nghị, nhà ở xã hội dưới dạng nhà chung cư thì căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với quy hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tỷ lệ số căn hộ trong dự án phát triển nhà ở xã hội có diện tích sàn từ 25 m2 đến dưới 30 m2 cũng được khống chế không quá 20% tổng số căn hộ.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, khoảng gần 4 triệu gia đình có cơ cấu hộ gia đình 3 người trở xuống. Vì vậy, theo ông, nhu cầu về nhà ở có diện tích nhỏ là rất lớn.
Ông Hà cho rằng, những diện tích căn hộ nhỏ không nên tập trung vào 1 dự án nhiều quá, nhưng nên có một tỷ lệ nhất định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.
Đề xuất hạ diện tích sàn căn hộ nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng rõ ràng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng về quy hoạch, nếu không việc xuất hiện nhiều căn hộ siêu nhỏ 25 m2 sẽ hạn chế sự phát triển của đô thị. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, không nên phát triển loại căn hộ nhỏ này ở khu vực nội đô, mà có thể xây dựng gắn liền với các khu công nghiệp, khu chế xuất./.