Mất “bảo bối” xử lý, vi phạm trật tự xây dựng liệu có gia tăng?
VOV.VN - Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không thực hiện cắt điện, nước sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi xử lý các công trình xaay dựng vi phạm.
Áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước là một trong những công cụ tối ưu của thành phố Hà Nội trong việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua.
Tuy nhiên, cuối tháng 5/2016, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị các đơn vị điện lực không thực hiện ngừng cấp điện đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Liệu sự thay đổi này có làm gia tăng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội, khi lĩnh vực này vốn là vấn đề “nóng” của thành phố?
Công trình tam giác tiền trảm hậu tấu tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. |
Bởi từ trước đến nay, đây được xem là “bảo bối” của ngành chức năng khi xử lý các chủ đầu tư cố tình vi phạm. Điện là “nguồn năng lượng” quan trọng trong việc thi công công trình xây dựng, khi bị cắt điện, chủ đầu tư rất khó tiếp tục thực hiện hành vi sai phạm của mình. Để được đấu nối điện trở lại chủ đầu tư phải chấp hành quyết định đình chỉ hoặc khắc phục sai phạm.
Theo ông Cung Hữu Hòa, Chủ tịch UBND phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, việc không thực hiện cắt điện sẽ gây khó khăn cho chính quyền địa phương khi xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng.
“Chế tài cắt điện, cắt nước là một chế tài mạnh, áp dụng cùng các biện pháp khác để đảm bảo việc ngăn chặn vi phạm tiếp tục phát sinh cũng như xử lý công trình vi phạm được triệt để. Chính vì vậy, chính quyền kiến nghị tiếp tục áp dụng việc cắt điện cắt nước cùng với các biện pháp khác để xử lý công trình vi phạm, đảm bảo đúng quy định pháp luật”, ông Hòa nêu rõ.
Từ thực tiễn giám sát các công trình xây dựng, đại diện lực lượng thanh tra xây dựng một số quận, huyện cho rằng, thời gian qua, quy định cắt điện, cắt nước đã giúp việc quản lý trật tự xây dựng tốt hơn.
Bởi vì, không phải chủ đầu tư nào cũng nghiêm túc hợp tác với các cơ quan chức năng. Lực lượng thanh tra, chính quyền địa phương thì không thể túc trực bên công trình vi phạm 24/24 giờ. Nhiều trường hợp chủ đầu tư “phớt lờ” quyết định đình chỉ thi công, đến khi cơ quan chức năng cắt điện, nước thì chủ đầu tư mới dừng lại.
Ông Công Minh Tuấn, Đội phó Đội Thanh tra Xây dựng quận Tây Hồ cho rằng, việc cắt điện đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng là rất cần thiết. Vì việc sử dụng điện ở đây là việc sử dụng điện vi phạm pháp luật, việc sử dụng điện để thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng là sai mục đích nên cần phải được xử lý
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc không thực hiện cắt điện sẽ dẫn đến những khó khăn trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng, nhưng lực lượng thanh tra sẽ có các biện pháp khác để tăng cường quản lý.
“Quy định về việc cắt điện, cắt nước không được thực hiện thì công tác quản lý trật tự xây dựng của lực lượng thanh tra xây dựng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đây là vấn đề chấp hành pháp luật, chính vì vậy, lực lượng thanh tra xây dựng vẫn phải chấp hành các quy định. Trong trường hợp có những khó khăn thì chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp khác để đình chỉ công trình có hiệu lực”, ông Dũng cho biết quan điểm.
Đề xuất kỷ luật cán bộ liên quan đến vi phạm xây dựng 8B Lê Trực
Ông Hoàng Thăng Long, người dân phường Láng Hạ, quận Đống Đa cho rằng, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến, nhưng cơ quan chức năng thường giải quyết theo hướng đã rồi, trong khi việc ngăn chặn không kịp thời.
“Chủ trương không cắt điện, nước sẽ đáp ứng được nhu cầu dịch vụ của người dân. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm không khéo, nhiều người sẽ lợi dụng để tiếp tục vi phạm trật tự xây dựng”, ông Long cho biết.
Lo lắng của người dân về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội có thể gia tăng sau “bảo bối” bỏ quy định cắt điện đối với những công trình xây dựng vi phạm là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã có trên 1.500 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, nhưng mới có khoảng 2/3 số vụ được các ngành chức năng kịp thời xử lý./.