Nhiều dự án ký túc xá “lỡ hẹn”
Đến thời điểm này, chỉ có 2/9 dự án KTX sinh viên được đưa vào sử dụng đúng tiến độ, còn lại vẫn đang xây dở chưa biết khi nào mới xong.
Theo kế hoạch của TP Hà Nội, 9 dự án xây dựng ký túc xá sinh viên (KTXSV) sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011, cung cấp hơn 40.000 chỗ ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Tuy nhiên, tới thời điểm này, chỉ có 2 dự án được xây xong và đưa vào sử dụng.
Chậm tiến độ vì “đói vốn”
Đã gần giữa tháng 2 nhưng tại công trường xây dựng KTXSV Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn đóng cửa im lìm, vắng lặng, không có một bóng công nhân. Theo kế hoạch, công trình này sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 12 năm 2011. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới xây dựng phần thô. Trong khi đó, rất nhiều sinh viên đang trông chờ dự án hoàn thành sẽ có thêm 220 phòng, giúp 1.700 sinh viên được ở trong KTX.
Được sống và học tập trong KTX là niềm mơ ước của đa số sinh viên |
Ông Ngô Văn Hoan, Phó Ban quản lý dự án KTX trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Dự án xây dựng không hoàn thành đúng kế hoạch là do thiếu vốn. Trong bối cảnh khó khăn chung, dự án có thể kéo dài thêm 1 - 2 năm.
Ông Hoan nhấn mạnh: “Khó khăn về nguồn tài chính cho các dự án là khó khăn chung nhưng những dự án đã được phê duyệt phải bố trí được đủ vốn, để triển khai tiếp tục thì mới tránh được lãng phí và cái đích của dự án mới đạt được. Nếu dự án thực hiện đến 90% còn 10% không thực hiện được, sinh viên vẫn chưa vào ở được thì ý nghĩa của dự án vẫn chưa mang lại cho người sử dụng”.
Tương tự, dự án KTX Đại học Nông nghiệp Hà Nội cũng đang trong tình trạng dở dang. Ba khu nhà ký túc xá thì mới chỉ hoàn thành được một tòa nhà C3, hai tòa nhà còn lại chưa có vốn để thực hiện. Theo ông Lê Vũ Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh BĐS Hà Nội-Sông Hồng, đơn vị thi công công trình, công ty đã phải tạm ứng từ nguồn vốn ở các dự án khác nhưng cũng chỉ triển khai được một tòa nhà.
Ông Lê Vũ Dũng cho biết: “Nhà ký túc CT3 kéo dài quá, có lúc chỉ có 5 thợ trên công trường, không có vốn, khi công ty thi công được gần 30 tỷ đồng rồi trường mới chuyển cho 13 tỷ, thế thì mười mấy tỷ lấy từ vốn bán hàng của công ty để đắp vào mới làm nhanh được. Bên cạnh đó, giá thép đột biến tăng trong năm hai năm qua lên từ 13,7 lên đến 18 thì phải điều chỉnh cũng là một khó khăn”.
Chương trình nhà ở sinh viên của thành phố Hà Nội được khởi động từ năm 2009 với 10 dự án xây dựng ký túc xá sinh viên, sẽ đáp ứng chỗ ở cho gần 44.000 sinh viên. Trong đó, có 2 dự án xây dựng KTXSV tập trung tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và 8 dự án xây dựng trong khuôn viên các trường đại học.
Theo kế hoạch, 9 dự án sẽ phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 12/2011. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có một dự án hoàn thành, các dự án còn lại mới chỉ hoàn thành 70% công trình, tiến độ thi công đang bị chậm lại, thi công cầm chừng do “đói” vốn.
Liên Bộ vẫn loay hoay tìm giải pháp
UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc cân đối, bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 hoặc nguồn vốn ngân sách Trung ương để đảm bảo tiến độ các dự án xây dựng nhà ở sinh viên trên địa bàn thành phố. Nhưng tới nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa cân đối được nguồn vốn.
Phương án thứ 2 để tháo gỡ vấn đề này, thành phố Hà Nội đang kiến nghị được tạm ứng khoảng 300 tỉ đồng từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố để cấp vốn cho dự án ký túc xá tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp và ký túc xá Mỹ Đình II, nhằm hoàn thành các dự án này trong quý I năm 2012. Nhưng tới nay cũng chưa nhận được hồi đáp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong khi, UBND thành phố Hà Nội và liên bộ Xây dựng – Tài Chính – Kế hoạch và Đầu tư vẫn loay hoay với các biện pháp thì hàng chục nghìn sinh viên vẫn đang phải sống trong những khu nhà trọ lụp xụp, đắt đỏ.
Nguyễn Văn Hà, sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết: “Em ở trong ký túc xá chỉ ba bốn trăm một phòng, mỗi người chỉ khoảng 50.000 – 70.000 đồng cả điện nước, so với việc bọn em ở ngoài 500.000 – 700.000 đồng/người thì rẻ hơn rất nhiều nhưng đăng ký ở trong KTX không phải đơn giản, vì số lượng phòng có hạn, không phải sinh viên nào cũng may mắn đăng ký được”.
KTX của các trường đại học tại các đô thị lớn đều trong tình trạng thiếu và quá tải, chỉ đáp ứng được từ 20-30% nhu cầu về chỗ ở cho sinh viên. Những dự án xây dựng ký túc xá có ý nghĩa xã hội rất to lớn, giúp hàng ngàn sinh viên có được chỗ ở với điều kiện tốt, giá rẻ, yên tâm học tập. Nếu các bộ ngành cùng thành phố Hà Nội không đưa ra những giải pháp cụ thể để sớm hoàn thành dứt điểm những công trình này thì mong mỏi của hàng nghìn sinh viên được ở ký túc xá khó trở thành hiện thực./.