Phải mở tài khoản ngân hàng để quản lý phí bảo trì chung cư
(VOV)-Quy định này áp dụng với các chung cư được đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước để bán cho các đối tượng khi Nhà nước thu hồi đất...
UBND Thành phối Hà Nội vừa có Quyết định số 19/2013 ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn kinh phí bảo trì chung cư trên địa bàn Hà Nội. Trong đó yêu cầu phải mở tài khoản ngân hàng để quản lý kinh phí bảo trì chung cư
Theo đó, Quy chế này áp dụng với việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí bảo trì đối với các tòa nhà chung cư được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để bán cho các đối tượng khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố (gọi tắt là nhà chung cư).
Nguồn kinh phí bảo trì chung cư (phần diện tích sử dụng chung) là khoản kinh phí 2% tính theo giá bán nhà do nhà nước quy định |
Theo Quy chế này, nguồn kinh phí bảo trì của tòa nhà chung cư nào thì được sử dụng để thực hiện bảo trì cho tòa nhà chung cư đó. Kinh phí bảo trì nhà chung cư được sử dụng để bảo trì phần diện tích sử dụng chung và hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà thuộc phạm vi quản lý của tòa nhà chung cư nhằm duy trì chất lượng của tòa nhà.
Đối với các hợp đồng bán nhà trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành (01/7/2006), theo các quyết định của Thành phố trong giá bán nhà không có hoặc không đề cập đến kinh phí bảo trì thì các chủ sở hữu căn hộ chung cư có trách nhiệm đóng góp khoản kinh phí để bào trì phần diện tích sử dụng chung. Khoản kinh phí này sẽ do Chủ đầu tư hoặc ban quản trị tòa nhà (nếu có) quản lý. Khoản phí này được các chủ sở hữu chung cư đồng thuận.
Đối với các các hợp đồng bán nhà từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành (trong giá bán nhà đã bao gồm 2% kinh phí bảo trì) có khoản kinh phí bảo trì đã được nộp ngân sách Thành phố cùng với tiền bán nhà thì chia ra theo hai trường hợp cụ thể như sau:
Đối với tòa nhà chưa có Ban quản trị: Doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư được Thành phố giao có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng thương mại; xác định số kinh phí bảo trì đã nộp vào ngân sách của từng tòa nhà để đề nghị sở Tài chính thẩm tra, xác nhận chuyển trả số kinh phí bảo trì đã thu vào tài khoản kinh phí bảo trì. Doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý, theo dõi tài khoản này đến khi Ban quản trị của tòa nhà được thành lập và công bố công khai cho các chủ sở hữu nhà biết số kinh phí bảo trì ngân sách đã hoàn trả vào tài khoản kinh phí bảo trì.
Sau khi Ban quản trị tòa nhà được thành lập, doanh nghiệp quản lý vận hành có trách nhiệm bàn giao tài khoản kinh phí bảo trì cho ban quản trị hoặc cho doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư do Ban quản trị lựa chọn.
Đối với tòa nhà chung cư có Ban quản trị: Ban quản trị tòa nhà có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng thương mại để tiếp nhận, quản lý kinh phí bảo trì (nếu có) do ngân sách thành phố chuyển giao trên cơ sở số kinh phí bảo trì đã nộp.
Cũng theo Quyết định 19 này, Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp quản lý, vận hành nhà chung cư được TP giao trong việc bảo trì đối với các tòa nhà chung cư bán sau thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực và đến trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành. Sau thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, Sở Tài chính phối hợp với Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan đến công tác bảo trì khi được ban Quản trị tòa nhà hoặc doanh nghiệp quản lý, vận hành nhà chung cư yêu cầu.
Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký 24/6/2013./.