Phạt vi phạm trật tự xây dựng 29,2 tỷ đồng năm 2012

(VOV) -Theo Bộ Xây dựng, năm vừa qua, vi phạm xây dựng không phép 4.208 vụ, sai phép 1.140 vụ, sai khác 1.528 vụ.

Bộ Xây dựng cho biết, năm 2012, qua tiến hành thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý 18.986 vụ việc vi phạm trật tự xây dựng (trong đó xây dựng không phép 4.208 vụ, sai phép 1.140 vụ, sai khác 1.528 vụ); tổng số tiền xử phạt khoảng 29,2 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng tiến hành "cắt ngọn" ngôi nhà xây dựng sai phép (Ảnh: nhandan.com.vn)

Đồng thời, theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng công trình xây dựng trên toàn quốc khoảng 51.600 công trình. Đáng lưu ý là ngoài những công trình đảm bảo theo yêu cầu, vẫn còn một số công trình chất lượng còn chưa đảm bảo, số lượng công trình bị sự cố chiếm khoảng 0,08% tổng số công trình xây dựng.

Dẫn ví dụ cụ thể, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết một số sự cố xảy ra như: công trình dân dụng: sập đổ tháp truyền hình cao 180m tại Nam Định,... ; công trình giao thông (trồi sụt, lún sụt; độ bằng phẳng không đảm bảo,...): Đại lộ Đông Tây, Đại lộ Thăng Long, Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương,..; công trình thủy điện (nứt, thấm qua khe nhiệt,…): Thủy điện Sông Tranh 2, Nhà máy thủy điện Đăk Mek 3 tỉnh Kon Tum,... 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận, chất lượng một số công trình còn thấp, hiệu quả đầu tư của một số dự án không bảo đảm, chưa tương xứng với chi phí đầu tư thực hiện dự án; một số dự án thiếu hoặc không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch được duyệt. Nhiều dự án không được bố trí đủ vốn để đầu tư xây dựng theo tiến độ, đang thực hiện phải tạm dừng do thiếu vốn.

Thậm chí, nhiều nhà thầu không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không thu hồi được vốn bỏ ra (chủ đầu tư nợ). Hầu hết các hợp đồng xây dựng, các dự án đầu tư xây dựng đều bị chậm tiến độ so với kế hoạch khiến chi phí đội lên; nhiều hợp đồng xây dựng chưa thực hiện đúng quy định của Nhà nước nên xảy ra tranh chấp.

Tại một số địa phương, số công trình xây dựng không có GPXD vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, có nơi lên tới 30%; quản lý xây dựng nhà ở nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ nhà ở nông thôn được cấp phép xây dựng còn thấp.

Cạnh đó, còn xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí tại một số công trình, dự án...; phân cấp quản lý đầu tư xây dựng chưa gắn với các giải pháp quản lý đồng bộ.

Đặc biệt, vai trò của các cơ quan quản lý công trình xây dựng chuyên ngành trong việc thẩm định, tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở còn mờ nhạt. Tỷ lệ các công trình được kiểm tra về chất lượng còn thấp, khoảng 15% số lượng công trình, tập trung chủ yếu vào các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn của địa phương; chưa kiểm soát được tình hình chất lượng nhà ở tư nhân; sự phân công chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình, thanh tra xây dựng còn có sự chồng chéo tại một số địa phương,...

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, xảy ra những tồn tại trên, có nguyên nhân quan trọng là: chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý còn bất cập so với yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về xây dựng; lực lượng cán bộ chuyên trách về xây dựng ở các cấp còn mỏng. Năng lực của các chủ thể tham gia quản lý đầu tư xây dựng còn một số hạn chế; thị trường giá cả xây dựng biến động ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu; Nhà nước giảm đầu tư công nhưng chưa có chính sách kịp thời, rõ ràng để huy động các nguồn vốn khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tiền phạt vi phạm xây dựng được chi cho công tác xử phạt
Tiền phạt vi phạm xây dựng được chi cho công tác xử phạt

Đây là quy định tại Thông tư liên tịch của liên Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng vừa ban hành

Tiền phạt vi phạm xây dựng được chi cho công tác xử phạt

Tiền phạt vi phạm xây dựng được chi cho công tác xử phạt

Đây là quy định tại Thông tư liên tịch của liên Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng vừa ban hành

TP Hồ Chí Minh có trên 4.500 trường hợp vi phạm xây dựng
TP Hồ Chí Minh có trên 4.500 trường hợp vi phạm xây dựng

Các quy định hiện hành về xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng hiện còn nhiều bất cập, nhiều vi phạm vẫn chưa được quy định đầy đủ

TP Hồ Chí Minh có trên 4.500 trường hợp vi phạm xây dựng

TP Hồ Chí Minh có trên 4.500 trường hợp vi phạm xây dựng

Các quy định hiện hành về xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng hiện còn nhiều bất cập, nhiều vi phạm vẫn chưa được quy định đầy đủ