“Sốt đất” và trách nhiệm?

Hệ lụy của tình trạng “sốt đất” ai cũng nhìn thấy, nhưng chưa cán bộ nào bị xử lý vì tình trạng “giao dịch ngầm” đầy nguy hại đang diễn ra.

Cơn sốt đất Ba Vì vừa tạm lắng, bài học nhãn tiền đối với các nhà đầu cơ bất động sản vẫn còn nóng hôi hổi thì một số khu vực giáp Hà Nội hay các huyện ngoại thành như: Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh… lại lên “cơn sốt” mới.

Vẫn là kịch bản cũ với việc tin đồn về quy hoạch nhiều dự án, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học ở những khu vực này, các “cò” đất, các nhà đầu cơ đua nhau thổi giá, khiến cơn sốt ảo có dịp bùng lên tạo nhiều “dư chấn”.

Thổi giá - chiêu cũ, xài lại

Chúng tôi tới một số xã ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc) và các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh (Hà Nội) để tìm hiểu thực hư “cơn sốt” đất. Không khí mua bán không còn tấp nập như những ngày trước đó. Cả 3 ngày trong vai những người có nhu cầu tìm mua đất, chúng tôi không “đụng” nhà đầu tư nào.

Hồ hởi đón chúng tôi từ đầu ngõ, anh Nghênh ở thôn An Bình, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, cho biết, đất ở thị xã Phúc Yên giờ rất cao, vì có dự án mở đường Nguyễn Văn Cừ rộng 26m nối từ Đại Lải về đây. Tuy nhiên, hiện đường đi gập ghềnh, đất đỏ bụi mù, khung cảnh hai bên vắng vẻ nên khó thuyết phục nhà đầu tư. Đất ở đây được rao bán chủ yếu là đất rừng 50 năm với giá trên dưới 100 triệu đồng/sào, tuỳ vị trí. “Đất có sổ đỏ là 50 năm. ở đây chỉ có các vị Hà Nội mua, chứ dân ở đây thì không. Anh chị mua xong xây nhà 3-4 tầng cũng được…” - anh Nghênh giới thiệu.

Còn ở Sóc Sơn, tin đồn nhiều trường đại học, bệnh viện sẽ về đây đã đẩy giá đất tại huyện cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km này cao ngất ngưởng. Giá đất tại nhiều xã bị “thổi” tăng gấp đôi so với năm ngoái, dù rất ít giao dịch thực.

Tại xã Phù Linh, nơi có dự án sân golf Quốc tế đang triển khai giai đoạn 1, xã mới bàn giao được 100ha, nhưng dự án này cũng chính là lý do khiến giá đất tại đây cao gấp đôi năm ngoái: trong làng từ 5 triệu đồng/m2 lên 10 triệu đồng/m2, gần quốc lộ thì giá khoảng 18 - 20 triệu/m2.

Một số khu đất rừng ở đây đã được “gom” từ năm 2008, rồi các nhà đầu cơ dùng chiêu giả vờ mua, bán làm nhiễu thị trường, còn thực chất, dân cư trong xã bán đất rất ít. Nhiều người dân ở Sóc Sơn giới thiệu với chúng tôi, sắp tới có 25 bệnh viện, 12 viện nghiên cứu, 13 trường đại học sẽ chuyển lên đây, nên đất đai đang lên giá(?)

Quá trưa, tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, thấy chúng tôi hỏi mua đất, liền một lúc 2 “cò” chạy ra. Một người tên Thiên cho chúng tôi số điện thoại, rồi giới thiệu: Đất giờ đắt như tôm tươi, sổ đỏ mặt đường 40 triệu/m. Đất ruộng, đất “nhảy dù” hay đất thổ cư, mua loại nào cũng có. “Người ta đòi 15 triệu, biết mặc cả chắc tầm 12 - 13 triệu là bán. Nhưng đòi hỏi sổ đỏ tất thì không có đâu. Chị rủ người chung miếng này đi, sau 2 năm cuộc đời thay đổi ngay. Toàn các đại gia mua thôi mà, mua bỏ không đấy” - “cò” Thiên giới thiệu với chúng tôi một mảnh đất.

Tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, nơi có con đường dẫn tới cầu Nhật Tân (đang thi công) hiện được rao bán với mức giá đất vào loại cao nhất của huyện. Tuy nhiên, thấy giá cao xấp xỉ khu vực trong ngõ nhỏ của nội thành, nên phần lớn là người đến xem đất chứ giao dịch thành công rất ít. Ông Lê Xuân Bình, Trưởng phòng Quản lý đô thị, huyện Đông Anh, cho biết, giá đất biến động nên đất nông nghiệp cũng được người dân rao bán, nhưng là mua bán ngầm.

Cơn sốt đất ở một số khu vực ngoại thành Hà Nội hiện nay đang có kịch bản không khác cơn sốt đất Ba Vì hồi năm ngoái. Việc giá đất tăng chóng mặt ở một số khu vực ngoại thành như thời gian vừa qua đều do các “cò” đất tung tin, làm giá. Cùng với đó là thị trường vàng, USD cũng biến động mạnh thời gian qua khiến nhiều người tin rằng: đất là nơi “bảo toàn vốn”. Giá được đẩy lên quá cao chủ yếu là do những người “lướt sóng” mua đi bán lại với nhau.

Nguyên nhân và hệ lụy

Trong vòng một tháng trở lại đây, thị trường đất đai ở các huyện ngoại thành Hà Nội tương đối “nóng”. Chủ yếu là mua đi bán lại giữa những nhà đầu cơ với nhau. Vì thế khi được hỏi, chính quyền ở các huyện này vẫn vô tư cho biết: trên sổ sách thì… không biến động!

Trong số đất mua bán trao tay này, có cả đất nông nghiệp, đất dịch vụ, đất nhảy dù... cứ có mua là có bán! Điều này dẫn đến những bất ổn, xáo trộn cuộc sống thường ngày của nhiều người dân.

Ông Nguyễn Đức Phương, Giám đốc Văn phòng đăng ký nhà đất, huyện Mê Linh thừa nhận: “Có việc bán đất nông nghiệp, nhưng tỷ lệ ít, chủ yếu đất thổ cư. Huyện Mê Linh mấy năm qua tốc độ đô thị hoá nhanh. Từ xưa đa số đất thổ cư rộng, người dân lại nghèo khó nên giờ đất có giá thì người ta bán bớt phần đất thổ cư của cha ông”.

Tại huyện Sóc Sơn, ông Ngô Đại Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trước đây, nhà đầu tư đến Sóc Sơn chủ yếu là tìm mua ở những xã có rừng. Còn nay, đất chỗ nào cũng sốt. Bằng kênh này, kênh khác, chính quyền đều biết việc người ta mua bán đất thổ cư, đất ruộng, đất rừng đều rất sôi động. Nhưng người ta không đến làm thủ tục, toàn là mua - bán “ngầm” nên rủi ro rất lớn.

“Người ta trao tay mình có biết đâu, cùng lắm là ra công chứng, chứ chưa đến cơ quan chính quyền làm thủ tục mua - bán. Người ta tập trung tiền mua lúc sốt nóng, không nắm được quy hoạch. Mà quy hoạch chung của Sóc Sơn chưa có. Anh cứ ôm đất rồi “lướt sóng” với nhau, không đến được với người có nhu cầu thực. Khi thị trường “hạ nhiệt” thì chẳng bán được cho ai” - ông Ngọc cảnh báo.

Mua bán trao tay theo tin đồn, không nắm được quy hoạch đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Nhất là trong số này có một phần không nhỏ người dân coi đất đai là “của để dành” khi mà thị trường ngoại tệ, thị trường vàng đang bị kiểm soát gắt gao, thị trường chứng khoán đìu hiu.

Trong khi đó, cán bộ chính quyền cấp xã, huyện tỏ ra lúng túng, tắc trách trong việc kiểm soát các giao dịch “ngầm”, mua bán trao tay. Hệ lụy của tình trạng này ai cũng nhìn thấy, nhưng chưa cán bộ nào bị xử lý vì tình trạng “giao dịch ngầm” đầy nguy hại kể trên.

Điều đáng nói là, chính việc mua bán trao tay, và đất loại nào cũng bán đã gây nên những rối ren, thậm chí những hệ luỵ khó giải quyết khi tranh chấp xảy ra. Chính quyền xã, huyện nhiều nơi biết việc một số người làm giá, thổi giá hay thực hiện những giao dịch trái luật, nhưng cũng làm ngơ. Tình trạng này đang khá phổ biến ở 2 huyện Đông Anh và Sóc Sơn.

Nhìn lại những cơn sốt đất mới thấy, rõ ràng, chiêu “kích” giá của những người môi giới, đầu cơ cũng có “tác dụng”. Có thể họ sắm cả 3 vai: vừa là người mua, người bán, đồng thời là nhà môi giới. Và người “dính” thiệt hại chính là người mua đất sau cùng, nếu không tỉnh táo sẽ mắc “bẫy” của “cò” đất.

Trong khi cán bộ địa chính, cán bộ xã, huyện đều biết nhưng lại làm ngơ, coi đó không phải là trách nhiệm của mình. Chính sự tắc trách, yếu kém trong quản lý đất đai đã tạo cơ hội cho hoạt động mua bán đất đai bất hợp pháp, gây nên những hệ luỵ khó lường.

Một câu hỏi được đặt ra, vì sao đất đai của Hà Nội dễ lên “cơn sốt” như vậy? Câu trả lời là, vì quy hoạch của chúng ta có vấn đề! Rõ ràng, sự thiếu ổn định, chưa khoa học trong quy hoạch đã dẫn tới những bất cập. Đó là chưa kể tới quy trình công bố quy hoạch mập mờ khiến người dân rất khó tiếp cận, dẫn tới việc mua bán tù mù, chạy theo tin đồn và là kẽ hở cho giới đầu cơ thao túng.

Một nguyên nhân nữa, là do chính sách thuế của chúng ta cũng chưa thể điều tiết được việc đầu cơ, găm giữ đất đai, từ đó càng làm cho giá nhà đất tăng, “sốt” bất thường. Và cuối cùng, đó là vai trò, trách nhiệm trước tình hình chung cũng như lợi ích người dân của các cấp quản lý, đặc biệt là cấp cơ sở đang có vấn đề./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên