Thị trường bất động sản chờ đợi quy hoạch phân khu

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là dịp để các doanh nghiệp nhìn lại, hướng vào những dòng sản phẩm có nhu cầu cao.

Thị trường bất động sản Hà Nội tiếp tục “đóng băng” ngay cả khi các dự án giảm giá bán vẫn không có người mua, “cơn khát” vốn khiến không ít doanh nghiệp phải lao đao. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây là bước chuyển biến khá tích cực của thị trường bất động sản, là dịp để các doanh nghiệp nhìn lại, sắp xếp lại sản xuất, hướng vào những dòng sản phẩm có nhu cầu cao. Thị trường cũng sẽ có bước cơ cấu lại các dòng sản phẩm hướng đến các nhu cầu thực của khách hàng.

Thị trường bất động sản Hà Nội tiếp tục đà giảm giá, các dự án bất động sản có hạ tầng tương đối tốt, nhiều khu nhà xây xong, giá bán giảm mà vẫn không có người mua. Khu đô thị Vân Canh, huyện Hoài Đức của Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) ban đầu chào giá 47 triệu đồng/m2 nay giảm xuống còn 40 triệu đồng; khu đô thị Nam An Khánh giá hiện tại khoảng 36-40 triệu đồng/m2. Tại Văn Phú cách đây một tháng chào giá tới 68-70 triệu đồng nay chỉ còn khoảng 54 triệu đồng/m2 nhưng cũng không có người hỏi mua… Tại huyện Mê Linh, thị trường được xem là sôi động nhất phía Bắc thành phố, tiến độ triển khai các dự án bất động sản cũng rất chậm chạp với mức giá sàn rất thấp, chỉ từ 10-13 triệu đồng/m2.

Ông Vũ Hoài Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và môi giới bất động sản NetReal Viet Nam cho rằng: Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội khó có thể tạo ra được “cơn sốt” vì khách hàng dùng trực tiếp hay nhà đầu tư đều đã có  kinh nghiệm qua những cơn sốt đất trước đây, do đó, những cơn sốt đất cục bộ sẽ khó xảy ra. Thị trường bất động sản sẽ còn trầm lắng một thời gian dài và tương đối sâu. Đây cũng là lúc thị trường điều chỉnh các dòng sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng, bản thân các chủ đầu tư cũng phải tăng cường dịch vụ tại các dự án để hút được người mua.

Ông Vũ Hoài Vũ cho biết: “Tất cả cộng đồng bất động sản đều nhận định được rằng thị trường sẽ trầm lắng ở thời gian rất dài và cũng tương đối sâu. Các xu hướng phát triển đầu tư kinh doanh bất động sản sẽ chọn lọc hơn. Dự án bất động sản sẽ đi sát, gần hơn với nhu cầu của cuộc sống hằng ngày. Trước đây, các chủ đầu tư và các dự án đơn thuần chỉ làm xong cơ sở hạ tầng hoặc là xây thô nay phải hoàn thiện về sản phẩm cũng như là hoàn thiện quản lý để phục vụ cho cộng đồng dân cư”.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Group Cường Phát – Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội: Thị trường bất động sản đang chờ đợi sự cụ thể hóa Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội với những bảng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Hơn 750 dự án bất động sản nằm trong khu vực vành đai xanh của Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội sẽ được rà soát điều chỉnh cho phù hợp, không ít dự án sẽ bị loại bỏ, nguồn cung ra thị trường sẽ giảm đi. Đó cũng sẽ là lý do kích thích sự phát triển của thị trường. Ông Nguyễn Hữu Cường nhận định: Các chủ đầu tư biết rõ về quy hoạch chung Hà Nội sau khi công bố, sẽ không có chuyện bán đổ bán tháo và thay vì đó sẽ là sự liên doanh liên kết lại với nhau, bởi vì có rất nhiều các dự án sẽ phải dừng lại khi nằm trong khu vực vành đai xanh mà Nhà nước bảo vệ nghiêm ngặt. Đó là lý do để hạn chế nguồn cung ra thị trường bất động sản, khi hạn chế nguồn cung thì giá sẽ lên đây cũng là chiều hướng tích cực thúc đẩy thị trường.

Còn theo ông Phạm Cao Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản Hudland thì “cơn khát” vốn của thị trường bất động sản sẽ còn kéo dài nếu không có những chính sách thích hợp. Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội là một tín hiệu vui nhưng chưa đủ kích thích thị trường bất động sản đang trong giai đoạn giảm sâu, nguồn tiền vào thị trường hạn chế khiến các dự án phải tiếp tục giảm giá và có những chương trình khuyến mại để hút khách hàng.

Ông Phạm Cao Sơn nhận định: “Việc thông qua Quy hoạch chung Thủ đô cũng là điều rất tốt nhưng để mà thúc đẩy thị trường thì không hẳn, quy hoạch chỉ là một yếu tố nhưng mà chưa đủ và cần rất nhiều thời gian. Thị trường bây giờ rất trầm lắng, dòng tiền có hạn đây là lý do chính nếu như tiếp tục siết chặt tín dụng thì thị trường chưa gượng lên được sau khi công bố Quy hoạch chung Thủ đô”.

Khi nguồn tiền vào thị trường bất động sản còn bị thắt chặt, hàng trăm dự án vẫn đang rà soát chờ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thị trường bất động sản vẫn trên đà suy giảm. Với các chuyên gia, đây là bước chạy đà cần thiết để thị trường cơ cấu lại các dòng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng vào những khách hàng thực sự có nhu cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên