Tìm đầu ra cho gần 70.000 căn hộ ế ẩm
(VOV) -Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện cả nước có gần 70.000 căn hộ hộ ế ẩm; hàng trăm dự án dang dở nằm phơi nắng
Trong khi người dân có nhu cầu thực sự không thể mua nổi nhà.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản đang đứng trước những thử thách quyết liệt. Vì vậy, việc tạo nguồn vốn, luồng tiền cho thị trường bất động sản hiện nay là “yếu tố quyết định” để tìm đầu ra cho bất động sản.
Từ đầu năm đến nay thị trường bất động sản sụt giảm ở tất cả các phân khúc. Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch. Thị trường bất động sản đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp.
Theo Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, Viện nghiên cứu Kế hoạch thị trường giá cả (Bộ Tài chính), thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian qua là do thiếu nguồn vốn. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư tập trung quá lớn vào phân khúc bất động sản cao cấp, việc cấp phép phát triển dự án tại các địa phương thiếu căn cứ vào nhu cầu của thị trường, thậm chí nhiều địa phương cấp phép dự án nhà ở với quy mô lớn tại những nơi chưa có hạ tầng kỹ thuật và xã hội đủ để phục vụ cho những nhu cầu tối thiểu về nơi ở, đã tạo nên những khu nhà ở bỏ hoang, lãng phí đất đai, nguồn lực của xã hội.
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh cho rằng: “Giới bất động sản và những người cho vay hiện đang xa vào việc có thể ví như mang hàng hiệu về nông thôn để bán, rất tốt, rất đẹp nhưng không bán được. Theo tôi, giữa doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng phải ngồi với nhau và phải thay đổi kết cấu của thị trường. Nếu không sẽ mãi loay hoay và sẽ không thể gỡ được thị trường”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết những yêu cầu làm ngay lúc này là ưu tiên cho vay các dự án có khả năng thanh khoản cao, hạn chế cho vay dự án cao cấp, giảm tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng dần gỡ bỏ những vướng mắc để giúp doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng tiếp cận được với nguồn vốn vay như triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Từ tháng 4 đến nay, các ngân hàng đã công bố các gói tín dụng dành riêng cho lĩnh vực bất động sản lên đến 20.000 tỷ đồng. Ông Phạm Huy Thông, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam cho biết, Ngân hàng này đưa ra gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỷ đồng dành cho cho đối tượng mua nhà có nhu cầu thực ở. Đối với các doạnh nghiệp có năng lực để hoàn thành dự án đúng tiến độ thì ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ vốn.
Về giải pháp tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, trước tiên, doanh nghiệp phải tự cứu mình. Bản thân doanh nghiệp phải làm ăn nghiêm túc, chuyên nghiệp với sản phẩm hàng hóa, cơ cấu sản phẩm, quy mô, giá thành hợp lý và đảm bảo tiến độ thi công.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, hiện có một số ngân hàng thương mại lớn đã có chương trình hỗ trợ vốn vay cho các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, dự án bất động sản có khả năng hoàn thành trong năm 2012. Vì vậy, các doanh nghiệp cần bắt kịp nguồn vốn này để chắp nối khách hàng với doanh nghiệp, tạo nên tính thanh khoản thông suốt, doanh nghiệp bán được hàng, hoàn vốn cho ngân hàng, người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm và nhanh chóng quay vòng vốn trên thị trường.
Ông Nguyễn Trần Nam nói: “Tôi đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải chớp lấy cơ hội này, chủ động làm sao chắp nối được giữa các khách hàng của mình với các ngân hàng”.
Để giúp thị trường bất động sản khởi sắc trở lại và phát triển ổn định cần phải có nhiều giải pháp mang tính vĩ mô và lâu dài.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang chủ động đôn đốc các địa phương nghiêm túc rà soát các dự án phát triển nhà ở, các dự án khu đô thị mới để phân loại các dự án cho phép tiếp tục triển khai để điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, muốn vay được vốn ngân hàng không có cách nào khác các doanh nghiệp phải chứng tỏ được khả năng thu hồi vốn.
Muốn vậy, sản phẩm của họ không phải hướng đến nhà đầu tư ảo nữa mà là những người có nhu cầu thực./.