Điểm bất ngờ trong sắc lệnh thuế mới của Tổng thống Donald Trump
VOV.VN - Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, nếu đàm phán NAFTA kết thúc tốt đẹp, Mỹ sẽ không đánh thuế thép, nhôm với Canada và Mexico.
Vẫn có ngoại lệ
Tổng thống Donald Trump ngày 8/3 đã ký sắc lệnh tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu vào nước Mỹ, nhưng một số đồng minh của Mỹ sẽ được nằm trong danh sách ngoại lệ.
Tổng thống Donald Trump vừa công bố sắc lệnh tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu vào nước Mỹ |
Các quy định mới về thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 15 ngày tới. Theo đó, mức thuế suất mới được áp dụng cho các mặt hàng thép là 25%, và đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu là 10%.
Tuy nhiên, mức thuế mới này sẽ không áp dụng cho thép, nhôm nhập khẩu từ Canada và Mexico để các quan chức Mỹ xem xét kết quả của quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới.
Ông Donald Trump nêu rõ: Các nước khác có "quan hệ an ninh" với Mỹ có thể được xem xét để được miễn thuế bằng cách tổ chức các cuộc đối thoại với Washington về "những biện pháp thay thế" để giải quyết mối đe dọa từ sản phẩm của họ đối với an ninh quốc gia.
Điều này cho thấy sự thay đổi đáng kể từ ý định ban đầu của Tổng thống Donald Trump. Trước đó, ông Trump dự định áp dụng thuế thép, nhôm với mọi quốc gia, kể cả các nước đồng minh và không phân biệt nhà cung cấp.
Việc miễn trừ ban đầu đối với hai quốc gia láng giềng là Canada và Mexico sẽ không có thời hạn nhưng chỉ kéo dài đến khi nào chính quyền đánh giá triển vọng tái đàm phán NAFTA.
Đối với các nước không được miễn trừ, thép nhập khẩu sẽ bị đánh thuế 25% và nhôm là 10%. Nếu Mexico và Canada nhận được quyền miễn trừ dài hạn, có thể mức thuế nhập khẩu của các nước khác phải tăng lên trên mức 25%.
Tổng thống Mỹ cho rằng, việc đánh thuế cao hơn đối với mặt hàng thép và nhôm là hành động cần thiết để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, vốn được xem là xương sống của đất nước. “Chúng ta sẽ vừa công bằng, linh hoạt, vừa bảo vệ người lao động Mỹ " - ông Trump nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ lưu ý, công nghiệp thép và nhôm là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc gia. “Nếu không có thép, chúng ta không có một quốc gia”, ông Trump khẳng định.
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu
Khơi mào cho cuộc chiến thương mại
Sắc lệnh thuế mới vừa công bố của chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến Liên minh châu Âu (EU) và các nhà sản xuất thép khác trên thế giới phản ứng mạnh mẽ, đồng thời bày tỏ lo ngại về nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Động thái này của ông Trump diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Canada và 9 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đẩy lùi bảo hộ thương mại. Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút ra khỏi hiệp định này (khi đó là TPP).
Thép vốn được coi là ngành "xương sống" của nước Mỹ (Ảnh minh họa: FT) |
Theo đánh giá vừa mới được Hội đồng Quan hệ đối Ngoại (CFR), việc tăng thuế nhập khẩu đối với thép sẽ làm giảm doanh số bán xe hơi tới 4%, khiến khoảng 45.000 người làm trong ngành ô tô bị mất việc làm.
Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmström cho biết bà sẽ nêu vấn đề về sắc lệnh thuế mới này trong cuộc họp ngày mai (10/3) với người đồng cấp Robert Lighthizer của Mỹ tại Brussels.
EU là đồng minh thân cận của Mỹ và nên tiếp tục được nằm trong danh sách ngoại lệ khi áp thuế, bà Cecilia Malmström nêu quan điểm, đồng thời nêu rõ, dù chính quyền Mỹ bảo hộ thương mại, đảm bảo an ninh quốc gia nhưng vẫn phải tôn trọng các quy định thương mại quốc tế.
Các chuyên gia thương mại cũng quan ngại, việc áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ sẽ nhận được sự “trả đũa” từ các nước khác.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi khẳng định, nếu Mỹ đánh thuế vào các đồng minh, thì phải cân nhắc xem ai sẽ là “kẻ thù” của mình.
Còn Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) thì nhấn mạnh: Mọi hành động của Mỹ nhằm vào Bắc Kinh sẽ nhận được “phản ứng tương xứng và cần thiết”. Ông Vương Nghị cũng cảnh báo, sự tăng cường bảo hộ thương mại sẽ đe dọa nền kinh tế toàn cầu, thậm chí sẽ ảnh hưởng tới ngay cả chính nước Mỹ.
“Một cuộc chiến thương mai không bao giờ là một giải pháp đúng đắn. Hậu quả của nó chỉ làm tổn hại đến mọi quốc gia,” nhà ngoại giao Trung Quốc nhận định./. Mỹ áp đặt thuế nhôm và thép: Nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại