Điểm nhấn kinh tế Nga năm 2016
VOV.VN - Năm 2016, kinh tế Nga có nhiều tín hiệu tích cực, đáng chú ý là động thái cắt giảm sản lượng dầu thô và bán cổ phiếu ra nước ngoài...
Chấp nhận giảm sản lượng dầu
Sau một thời gian dài, chính phủ Nga đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thô với mức giảm 300.000 thùng/ngày. Động thái này là một trong những điều kiện của thỏa thuận được ký vào đầu tháng 12 giữa OPEC và các nước sản xuất dầu ngoài tổ chức này. Một ủy ban chuyên trách sẽ làm nhiệm vụ giám sát việc thực hiện cam kết của các bên.
Mỏ dầu Imilorskoye thuộc sở hữu của công ty Lukoil bên ngoài thành phố Kogalym (Ảnh: Reuters) |
Nga đã quyết định cắt giảm sản lượng dầu, mặc dù nhà nước không độc quyền về khai thác hydrocacbon; trong số các công ty sản xuất dầu mỏ trong nước, không phải tất cả đều thuộc sở hữu của nhà nước. Tuy nhiên, tất cả các công ty dầu mỏ lớn của Nga đã cam kết sẽ tuân thủ chính sách này với hy vọng sẽ kích thích giá dầu thô tăng.
Trở lại thị trường tài chính quốc tế
Trong năm 2016, Bộ Tài chính Nga đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 3 tỷ USD. Lần phát hành đầu tiên diễn ra vào tháng 5, với giá trị 1,75 tỷ USD, lần tiếp theo là vào tháng 9. Trái phiếu được chính phủ chào bán cho các nhà đầu tư nước ngoài; nhu cầu trong nước gần như không có.
Văn phòng của sàn giao dịch chứng khoán MICEX-RTS (Ảnh: RIA Novosti) |
Cả hai lần phát hành, lệnh đặt trước đều vượt mức 7 tỷ USD. Người mua chủ yếu đến từ Anh, Hoa Kỳ, và châu Á. Bộ Tài chính Nga tin rằng trái phiếu Nga sẽ tiếp tục được phổ biến ở nước ngoài, bất chấp các biện pháp trừng phạt.
Lần đầu tiên kể từ mùa thu năm 2013, Nga đã trở lại với thị trường vốn quốc tế. Chính phủ đã hành động dựa trên sự hiểu biết rằng tiền phát sinh sẽ không được sử dụng vì lợi ích của các doanh nghiệp và cá nhân thuộc danh sách trừng phạt của EU và Hoa Kỳ.
Giảm phát trở lại
Sau nửa thập kỷ, năm 2016 chứng kiến quãng thời gian giảm phát ngắn ngủi của nước Nga. Trong tuần đầu tiên của tháng 8, giá tiêu dùng giảm 0,1%. Lần giảm phát gần nhất vào tháng 9 năm 2011. Để so sánh, mức lạm phát năm 2015 ở Nga là 12,9%.3. Khu chợ ở St. Petersburg (Ảnh: EPA) |
Áp lực lạm phát lên nền kinh tế Nga được giảm bớt là tin tốt. Khi mọi yếu tố cân bằng, mức lạm phát tổng thể được hy vọng sẽ giảm xuống 4% trong năm 2017. Ngân hàng Trung ương Nga đã xác định mục tiêu này vào cuối năm 2014, khi chủ động thả nổi tỷ giá đồng Rúp.
Tăng hạng theo đánh giá của WB
Nga một lần nữa cải thiện vị thế của mình trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của World Bank (WB) năm 2016. Theo kết quả được đưa ra trong tháng 11, thứ hạng của đất nước này đã tăng từ 51 lên 40. Bảng xếp hạng này đo lường chất lượng môi trường kinh doanh của một quốc gia và số rào cản hành chính đối với nền kinh tế.
Trung tâm thương mại quốc tế ở Moscow (Ảnh: Reuters) |
Theo báo cáo của WB, Nga đã giảm được đáng kể vấn nạn quan liêu trong kinh doanh năm vừa qua, đưa đất nước này vào top 5 quốc gia dẫn đầu về số lượng cải cách được thực hiện. Một số lợi thế quan trọng của Nga là việc dễ dàng có điện, đăng ký tài sản, và thực thi hợp đồng.
Chính phủ Nga đã chọn bảng xếp hạng môi trường kinh doanh là hệ thống chỉ số đo lường hiệu suất (KPI) cấp quốc tế để xác định chất lượng môi trường kinh doanh trong nước.
Cổ phần của Rosneft được bán ra nước ngoài
Nhằm làm giảm thâm hụt ngân sách, chính phủ Nga đã bán 19,5% cổ phần công ty dầu mỏ lớn nhất nước - công ty Rosneft. Số cổ phần này đã bất ngờ rơi vào tay một tập đoàn của thương nhân Thụy Sĩ Glencore và Quỹ Đầu tư quốc gia Qatar, với số tiền bỏ ra hơn 10 tỷ Euro.Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn dầu khí Rosneft, Igor Sechin (Ảnh: TASS) |
Vụ mua bán này là một bất ngờ lớn. Giới chuyên gia nhận định, các nhà đầu tư Trung Quốc và Ấn Độ mới là những người mua tiềm năng, nhưng phía Ấn Độ lại yêu cầu có được tiếng nói trong việc điều hành Rosneft. Hơn nữa, công ty của Nga muốn hợp đồng phải có điều khoản cho phép công ty này mua lại cổ phần của mình.
Chính phủ Nga vẫn sẽ sở hữu trên 50% cổ phần của Rosneft; 19,5% thuộc về đối tác châu Âu lớn nhất của công ty - BP , trong khi Quỹ Đầu tư quốc gia Qatar và Glencore, mỗi bên sẽ nắm giữ 9,75%. Số cổ phần còn lại chưa được công bố./. Nước Nga dồn dập mua vàng khiến cả thế giới e ngại