Diễn đàn Davos: Trung Quốc gửi thông điệp tới đội ngũ của ông Trump
VOV.VN - Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định lập trường chống “chủ nghĩa bảo hộ” và Trung Quốc không ngừng mở cửa và hội nhập thế giới.
Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 đã khai mạc hôm qua (17/1) tại Davos, Thụy Sĩ, với mọi sự chú ý đổ dồn vào bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bài phát biểu đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc tham dự hội nghị này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu được chờ đợi trước các nhà lãnh đạo thế giới và giới doanh nghiệp tại phiên khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 ở Davos.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos. (Ảnh: Internet)
“Sự thật là toàn cầu hóa nền kinh tế cũng tạo ra những thách thức mới. Nhưng đây không phải lý do để chúng ta chấm dứt toàn cầu hóa. Thay vào đó, chúng ta cần thích ứng và chỉ dẫn cho tiến trình toàn cầu hóa kinh tế. Vượt qua những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và thúc đẩy những lợi ích mà nó mang lại cho tất cả các quốc gia”, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ.
Không hề đề cập tới Tổng thống đắc cử Donald Trump, song các nhà quan sát cho rằng trong bài phát biểu kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có rất nhiều thông điệp trực tiếp cho Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, vốn có xu hướng ngược lại và đe dọa rút khỏi các vấn đề quốc tế.
Hội nghị năm nay khai mạc chỉ 3 ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, vì thế các cuộc thảo luận của hội nghị lần này cũng sẽ tập trung vào các chính sách của ông Trump có ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và các mối quan hệ quốc tế. Một số quan chức cấp cao trong đội ngũ của ông Trump dự kiến tham dự hội nghị, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận đối với những ưu tiên khi chính quyền mới của ông Trump lên nắm quyền.
Theo giới quan sát, phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy rõ, Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò lớn trên trường kinh tế thế giới và sẽ lấp khoảng trống mà Mỹ để lại.
Chuyên gia kinh tế trưởng của hãng tư vấn HIS Nariman Behravesh đưa ra nhận định: “Tôi cho rằng, đây là thông điệp mạnh mẽ gửi tới đội ngũ của ông Trump. Như tôi đã nói, họ không hề muốn một cuộc chiến tiền tệ. Do đó, cách tốt hơn là hy vọng đội ngũ của ông Trump sẽ nghe được thông điệp này và không bắt đầu tiến trình có thể làm bùng phát một cuộc chiến thương mại. Theo nhận định của tôi thì nguy cơ dẫn đến một cuộc tiền tệ là rất thấp, nhưng vẫn có thể có”.
Diễn đàn Davos năm nay diễn ra từ ngày 17 - 20/1 tập trung vào chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm” nhằm đề cao vai trò quản trị toàn cầu trong việc đối phó với những thách thức trong thời kỳ mới. Diễn đàn cũng sẽ tập trung vào những vấn đề thời sự nóng trên toàn cầu như: di cư, tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - Brexit, quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu...
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng đa dạng và phức tạp, các nhà lãnh đạo thế giới tham gia Diễn đàn năm nay được kỳ vọng sẽ phối hợp tìm ra các hình thức quản lý quốc gia, quản trị khu vực và quản trị toàn cầu linh hoạt hơn, nhanh chóng thích ứng với mọi thay đổi và đề ra các giải pháp bền vững cho những thách thức toàn cầu./.