Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ: Kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc
Diễn đàn có chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp để hội nhập quốc tế” được tổ chức tại Hà Nội.
Sáng 9/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp để hội nhập quốc tế” tổ chức tại Hà Nội.
Chương trình nghị sự của VBF giữa kỳ 2015 sẽ tập trung vào các nội dung chính: Tổng quan môi trường kinh doanh; thương mại, du lịch và đầu tư - vấn đề vướng mắc trong thực thi các quy định mới về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; ngân hàng và thị trường vốn - phục vụ đà tăng trưởng tích cực của thị trường tài chính và cơ sở hạ tầng - yêu cầu đối với việc thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, tăng cường hạ tầng cảng và nhu cầu về điện năng theo quy hoạch điện VII.
Diễn đàn là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các DN trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Trải qua gần hai thập kỷ, VBF đã trở thành hoạt động thường niên và được coi là kênh đối thoại đem lại hiệu quả giữa Chính phủ và cộng đồng DN. VBF đã đồng hành với quá trình đổi mới thể chế và quản lý kinh tế của đất nước.
Nhờ có sự đổi mới đó, cùng sự tự điều chỉnh vươn lên của DN, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN đã từng bước được nâng cao, việc thu hút FDI trở nên có hiệu quả hơn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2015 diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn và thách thức.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đến nay Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và phát triển đúng hướng; tăng trưởng đang lấy lại đà phục hồi một cách ổn định, vững chắc, dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 của Việt Nam sẽ là 6,2% hoặc có thể cao hơn; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm…
Tuy vậy, nền kinh tế của Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn chưa thực sự khởi sắc; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu; thị trường nông sản đang gặp nhiều khó khăn…
Những yếu kém của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua có nguyên nhân khách quan từ sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, nhưng chủ yếu vẫn do những nguyên nhân chủ quan trong nội tại của nền kinh tế.
Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích đầu tư bằng hình thức đối tác công tư PPP; đẩy mạnh cổ phần hóa DN Nhà nước; nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN; tạo sự bình đẳng trong cơ chế thị trường, trong phân bổ nguồn lực đối với các DN…
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm mạnh mẽ đổi mới nền kinh tế, năm 2015 và những năm tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc, năng động và hiệu quả hơn.
Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực của mình, Việt Nam rất cần sự chung tay góp sức, sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và cộng đồng DN trong nước và quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng sau các phiên thảo thuận của Diễn đàn./.