Diễn đàn Kinh tế Viễn Đông - ngày thứ 2 đầy ắp sự kiện
VOV.VN - Hôm nay (11/9) Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8 bước sang ngày làm việc thứ 2 với đầy ắp các sự kiện về kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu…
Trong ngày thứ 2, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8 tập trung cho các phiên thảo luận về những giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế và hợp tác kinh tế giữa Liên bang Nga và các nước; Lọc dầu- năng lượng phục vụ tăng trưởng kinh tế; Mục tiêu kinh doanh liên quan đến khí hậu; Bảo vệ hành tinh và Vai trò của Viễn Đông; Đối phó với thiên tai…
Một nội dung quan trọng trong buổi sáng nay là phiên thảo luận chuyên đề: Đối thoại kinh doanh Nga- ASEAN với sự tham dự của đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung dẫn đầu. Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 5 năm quan hệ đối tác chiến lược Nga-ASEAN.
Trong bối cảnh phục hồi và chuyển đổi hệ thống kinh tế toàn cầu sau Covid-19, Nga đặc biệt quan tâm đến việc tạo thêm động lực để tăng cường và đa dạng hóa hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư với các nước trong khối ASEAN. Các ưu tiên bao gồm đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, kinh tế tuần hoàn và các vấn đề môi trường, số hóa nền kinh tế, phát triển thành phố thông minh cũng như mở rộng hợp tác khoa học và giáo dục; các vùng Viễn Đông của Nga có lợi thế cạnh tranh đáng kể trong nhiều ngành công nghiệp và do vị trí địa lý thuận lợi, có thể chuyển đổi sự tương tác sâu rộng hiện có với các nước Đông Nam Á thành các kết quả kinh tế, khoa học và giáo dục.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Việt Nam về những lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết: “Quan hệ kinh tế Việt Nam và LB Nga hiện nay thì chúng ta cần nghiên cứu và đầu tư vào các lĩnh vực có thể đem lại hiệu quả tốt hơn - đây là điều Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rất quan tâm, trong đó có lĩnh vực năng lượng. Thứ 2 là Thương mại. Về thương mại,chúng ta cần thúc đẩy các Hiệp định, điều ước đã ký với Nga. Thứ 3 là Giáo dục- đây là lĩnh vực truyền thống. Chúng ta cần thúc đẩy nhiều hơn không chỉ đưa sinh viên Việt Nam sang học ở LB Nga mà cả việc đưa sinh viên Nga sang học tại Việt Nam. Và thứ 4 là lĩnh vực Chuyển đổi số”.
Tại Diễn đàn này, nước Nga đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ của Nga với các nước thành viên ASEAN, trong đó chú trọng đến vai trò của công nghệ 4.0.
TS. Alexander Korolev, chuyên gia về ASEAN của trường Kinh tế cao cấp Nga khẳng định: “Tôi nghĩ rằng Nga sẽ định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao. Đây cũng sẽ là một trong những lĩnh vực có thể trở thành động lực cho hợp tác giữa Nga và ASEAN trong thời gian tới”.
Một nội dung quan trọng trong ngày hôm nay thu hút nhiều bạn trẻ tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8, đó là Phiên thảo luận chuyên đề về Giáo dục cho học sinh và sinh viên. Các đại biểu trẻ đã cùng nhau thảo luận về vai trò của giáo dục trong phát triển nhân cách và góp phần phát triển kinh tế xã hội; Làm thế nào để thấm nhuần tinh thần yêu nước và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự phát triển của đất nước.
Ngày mai (12/9), Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8 bước sang ngày làm việc thứ 3 với một nội dung quan trọng- đó là phiên họp toàn thể với bài phát biểu của Tổng thống Nga Putin.