Điện mặt trời “sạch” khi biết lựa chọn công nghệ
VOV.VN - Nếu không có các giải pháp khoa học và toàn diện, điện mặt trời sẽ không còn sạch, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và khó giải quyết.
“Tính đến hết tháng 7/2017, đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư với tổng công suất nguồn lên tới hơn 17.000MW. Tính khả thi của các dự án được đánh giá là khá cao khi công nghệ sản xuất điện mặt trời ngày càng hiện đại, có khả năng hiện thực hóa các tiềm năng kỹ thuật thành tiềm năng kinh tế, thương mại”.
Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức tại Hà Nội ngày 8/9.
Nhiều đại biểu cho rằng, từ thực tế nhiều nước đã phát triển điện mặt trời cho thấy, nếu không có các giải pháp khoa học và toàn diện ngay từ đầu, điện mặt trời sẽ không còn sạch, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và khó giải quyết hơn cả các nguồn năng lượng truyền thống.
Mặc dù đưa ra nhận định, trong tất cả các nguồn năng lượng sản xuất điện hiện nay, điện mặt trời là nguồn năng lượng "sạch" nhất, cho khả năng ứng dụng và hiệu quả phát điện lớn nhất trong các nguồn năng lượng mới và tái tạo, song GS.TSKH. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam vẫn khẳng định, dù là nguồn điện nào thì cũng có 2 mặt, đi cùng với những lợi thế là những tồn tại, và phải được xử lý để hạn chế tới mức thấp nhất có thể.
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2017 diễn ra ngày 8/9. |
Theo GS.TSKH. Trần Đình Long, việc sử dụng bình ắc quy tích trữ điện khi sử dụng những tấm pin mặt trời quy mô hộ gia đình cũng có khả năng gây ô nhiễm, ngộ độc chì và không an toàn bởi dung dịch a xít...vì vậy, cần nghiên cứu, tính toán cả cách xử lý hết sức kỹ lưỡng, khoa học và bài bản ngay từ đầu.
“Có thể sau khoảng 15-20 năm sử dụng, những tấm pin mặt trời thải ra – nó cũng gần giống như các thiết bị điện tử nói chung. Nếu xử lý không tốt thì sẽ gây những vấn đề về môi trường, nhưng còn trong quá trình vận hành thì các tác động ấy hầu như là rất ít. Các loại vật liệu thải, trong đó đặc biệt là các linh kiện, phần tử từ các thiết bị điện tử thải ra đều phải được xử lý rất cẩn thận”, GS.TSKH. Trần Đình Long cảnh báo.
Tin tưởng vào công nghệ điện mặt trời, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho rằng, thời gian sử dụng các tấm pin năng lượng mặ trời là khá dài, việc phát triển công nghệ trong tương lai cho khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin mặt trời khi hết hạn. Do đó trước mắt, phải tính tới việc bảo trì, bảo dưỡng các sản phẩm này để nâng cao tuổi thọ những tấm pin năng lượng mặt trời hiện hữu.
“Tuổi thọ của pin mặt trời khá dài nhưng việc duy trì bảo dưỡng phải được tiến hành thường xuyên. Những tấm pin quang điện bây giờ thế giới sản xuất có tuổi thọ phải được 25-30 năm, khi thay mới những pin cũ sẽ được tái tạo sản xuất ra những tấm pin mới. Có thể yên tâm về công nghệ pin mặt trời ngày nay”, ông Ngãi tin tưởng.
Mặc dù vậy, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu khó học, PGS. TS. Phạm Hoàng Lương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng cấp nhà nước giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là chương trình KC-05) cho rằng, việc lựa chọn công nghệ nói chung, công nghệ sản xuất năng lượng mặt trời nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả kinh tế, kỹ thuật của công nghệ lựa chọn. Quan trọng nhất là phải “đánh giá chu trình vòng đời của công nghệ”, có như vậy mới đánh giá hết được những tác động môi trường mà công nghệ đó mang lại.
“Việc sử dụng năng lượng mặt trời rất hiệu quả so với các nguồn năng lượng truyền thống khác. Việc sản xuất những tấm pin mặt trời cũng phải đánh giá được những tác động môi trường, đặc biệt là việc thu hồi các chất thải sau khi sử dụng. Đặc biệt, phải quan tâm và lượng hóa được những tác động môi trường, trên cơ sở đó có được những cơ chế chính sách, giải pháp tương đối phù hợp”, PGS. TS. Phạm Hoàng Lương cho biết.
Cũng theo PGS. TS. Phạm Hoàng Lương, trên thực tế, nếu chỉ nhìn vào những tấm pin mặt trời sẽ không thấy có phát thải khí CO2. Nhưng để sản xuất ra được những tấm pin ấy, phải cần nhiều nguồn nguyên vật liệu. Trong quá trình sản xuất nguyên vật liệu đó sẽ tác động đến môi trường.
PGS. TS. Phạm Hoàng Lương cũng nhấn mạnh việc nghiên cứu xử lý khi thu hồi các tấm pin năng lượng mặt trời hết thời gian sử dụng. Do đó, Chính phủ cũng như các Bộ, ban ngành nên đặc biệt quan tâm nghiên cứu kinh nghiệm từ các công trình nghiên cứu trên thế giới về vấn đề này./.
Dư địa phát triển điện mặt trời tại Việt Nam rất lớn