Điều chỉnh tỷ giá nằm trong biên độ được dự báo
VOV.VN - Theo các chuyên gia, quyết định điều chỉnh tỷ giá lần này của NHNN không tác động nhiều đến việc điều hành các chỉ tiêu tăng trưởng hoặc kiểm soát lạm phát
Sau một tuần quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa tiền đồng Việt Nam và đồng USD được áp dụng từ mức 21.036 lên 21.246 VND/USD, trên thị trường, tại các ngân hàng thương mại, giao dịch ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường, đồng thời vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của các tổ chức nhập khẩu cần ngoại tệ, kể cả nhu cầu ngoại tệ chính đáng của cá nhân.
Điều chỉnh tỷ giá tăng 1% của Ngân hàng Nhà nước được cho là phù hợp và đúng thời điểm
Theo các chuyên gia kinh tế, trên bình diện vĩ mô, quyết định điều chỉnh tỷ giá lần này của Ngân hàng Nhà nước không tác động nhiều đến việc điều hành các chỉ tiêu tăng trưởng hoặc kiểm soát lạm phát.
Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Kinh tế vĩ mô đã cải thiện với tăng trưởng kinh tế trong quý I/2014 đạt 4,96%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn tương đối thấp so với mức trên 5% của các năm trước đây và đặc biệt là cầu trong nước vẫn còn yếu.
Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm nhận định, thực tế hiện nay cho thấy, xuất khẩu, động lực tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn đang có chiều hướng đi lên với mức tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2013. Chính vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá tăng 1% của Ngân hàng Nhà nước là giải pháp phù hợp và đúng thời điểm, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu phần nào tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, góp phần hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra.
Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho biết: “Việc tăng tỷ giá lần này cũng nằm trong biên độ mà chúng ta đã dự báo trước như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố là năm nay, dư địa tăng 2% là hợp lý nhất. Ngoài ra mối quan hệ tỷ giá của chúng ta với đồng tiền các nước trong khu vực đang hình thành vẫn có hơn thực tế một chút cho nên chúng ta điều chỉnh lần này để sát dần hơn với thực tế ngang bằng với các đồng tiền trong khu vực, đấy là điều hợp lý thôi.”
Không như những lần trước đây, quyết định điều chỉnh tỷ giá thường là do sức ép thị trường, lần này Ngân hàng Nhà nước đã hoàn toàn chủ động vì đi kèm với quyết định đó là đưa thông tin minh bạch ra thị trường về các thông số quan trọng đang diễn biến tích cực như cán cân thanh toán tổng thể thặng dư trên 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục là 35 tỷ USD. Nhờ đó, lòng tin thị trường vào ổn định vĩ mô và giá trị tiền đồng Việt Nam được củng cố.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng, Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Việc điều chỉnh tăng tỷ giá lần này sẽ hỗ trợ xuất khẩu, qua đó là điểm tựa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do nhà nước vẫn kiểm soát tỷ lệ lạm phát tháng 5 ở mức thấp nên việc điều chỉnh tỷ giá lần này cũng không ảnh hưởng đến lạm phát”.
Hiện nay, do tình hình căng thẳng ở Biển Đông nên xuất khẩu cũng gặp những khó khăn nhất định, do vậy việc điều chỉnh tỷ giá lần này là để nhắm tới những mục tiêu quan trọng hơn. Để việc điều chỉnh tỷ giá không tác động ngược lại đến giá cả hàng hóa trong nước, nhất là mặt hàng nhập khẩu.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải phải giám sát chặt chẽ vấn đề này, đồng thời các Bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng phải có trách nhiệm chia sẻ với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện hiệu quả mục tiêu của việc điều chỉnh lần này là hỗ trợ xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo được cân đối ngoại tệ, cân đối được cán cân thanh toán.
Thực tế việc điều chỉnh tỷ giá cũng có thể gây xáo trộn tâm lý nhỏ đối với thị trường tiền tệ và tài chính trong ngắn hạn, đồng thời được xem là sẽ mang đến khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu hay vay nợ nước ngoài. Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, các nhà hoạch định chính sách cần phải có một cái nhìn dài hơi hơn, đó là ưu tiên cho xuất khẩu, bảo đảm giá trị tiền đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế để ổn định kinh tế vĩ mô./.