Điều hành giá cả hàng hóa theo tín hiệu của thị trường
VOV.VN - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo: Cần điều hành giá cả hàng hóa theo tín hiệu của thị trường.
Các Bộ, ngành cần tính toán điều hành giá cả hàng hoá, dịch vụ công, y tế, giáo dục theo tín hiệu của thị trường và kiểm soát lạm phát. Đồng thời nắm bắt và cung cấp thông tin kịp thời cho người dân. Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ tại phiên họp đánh giá công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát 3 tháng đầu năm 2019 diễn ra sáng nay (28/3), tại Trụ sở Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo phiên họp. |
Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý 1 năm nay diễn biến đúng quy luật, tăng nhẹ trong tháng 1, bình quân 3 tháng đầu năm ước tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018, là mức thấp nhất trong 3 năm liên tiếp gần đây. Lạm phát cơ bản tăng nhẹ, chưa tới 2% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngày 20/3, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 8,36%, dự kiến chỉ tác động tới 0,33% mức tăng CPI của tháng 3, là mức tác động thấp. Trong khi đó, với lợi thế về Quỹ bình ổn xăng dầu, liên Bộ Tài chính và Công Thương đã thực hiện “xả” Quỹ đề bù vào đà tăng của giá xăng dầu theo tín hiệu tăng của thế giới. Bên cạnh một số mặt hàng tăng giá, nhiều mặt hàng cũng giảm giá trong Quý 1 như: giá thịt lợn và lúa gạo đã giảm do bệnh dịch và thiếu thị trường xuất khẩu gạo.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Đến giờ này chủ yếu dịch tả lợn Châu Phi bị nhiễm ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các trang trại của doanh nghiệp vẫn bảo vệ tốt đàn lợn. Bộ đang tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp quyết liệt để dập dịch, khuyến khích các doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung.
Toàn cảnh phiên họp đánh giá kết quả điều hành giá và kiềm chế lạm phát quý 1. |
Về điều hành, chỉ số giá tiêu dùng trong 3 quý còn lại của năm 2019, các cơ quan Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều có tính toán riêng các kịch bản khác nhau về mức tăng CPI của từng Quý và cả năm, trong đó kịch bản CPI tăng cao nhất vẫn bảo đảm mục tiêu của Quốc hội giao là tăng khoảng 4%.
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành về cập nhật tình hình quản lý giá dịch vụ, hàng hoá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng: Công tác điều hành giá Quý 1 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, do có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành với từng kịch bản điều hành giá các mặt hàng cụ thể và sự vào cuộc tích cực, cung cấp thông tin kịp thời của các cơ quan tới báo chí và dư luận xã hội.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát của năm 2019 ở mức từ 3,3- 3,9%, trên tinh thần chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, minh bạch và cung cấp thông tin kịp thời cho xã hội. Không chỉ vậy, các bộ, ngành phải tính toán điều hành giá cả hàng hoá, dịch vụ công y tế, giáo dục theo tín hiệu của thị trường.
Ông Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngăn chặn lây lan dịch tả lợn châu Phi, có biện pháp tái đàn để bảo đảm nguồn cung khi bệnh dịch được kiểm soát. Ngân hàng nhà nước có hình thức hỗ trợ tín dụng với các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch chi phí đầu vào của giá điện, kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.
"Đối với một số mặt hàng trong nước như xăng dầu, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến,tính toán làm sao hài hòa trong sử dụng quỹ. Về dịch vụ đường bộ,các dự án đầu tư BOT tôi đề nghị Bộ giao thông sớm triển khai kết luận của Chính phủ để điều chỉnh lại tổng mức đầu tư của từng dự án phù hợp thực tế, điều chỉnh chỗ nào là phải đích đáng nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận," Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế đẩy mạnh rà soát, thu gọn danh mục dịch vụ, đổi mới định mức kinh tế kỹ thuật, bảo đảm việc hoạt động ổn định của cơ sở y tế, tiết kiệm chi phí cho người bệnh và ngân sách nhà nước; cùng với BHXH Việt Nam triển khai và mở rộng danh sách đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế, đẩy nhanh đấu thầu và đàm phán giá thuốc để hạ giá và cung ứng thuốc có chất lượng./.