Điều hành giá xăng dầu: Minh bạch hay không

Dư luận đòi hỏi sự công khai, minh bạch từ cả phía các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.


 Trước diễn biến được cho là khó lường của giá xăng dầu vừa qua, dư luận đòi hỏi sự công khai, minh bạch từ cả phía các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Có thể thấy rằng tại mỗi thời điểm, việc điều hành thị trường xăng dầu sử dụng các phương án khác nhau, nhưng các "mũi tên" này bắn đi theo cách nào thì cũng hướng tới một đích - phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Việc đánh giá các vấn đề liên quan xăng dầu không nên dựa trên cách “phân đoạn” và “thời điểm” mà cần đặt trong tổng thể, phải tính đến hiệu quả sau cùng đối với kinh tế - xã hội.

Phục vụ mục tiêu nhất quán

Không chỉ là mặt hàng thiết yếu, xăng dầu mang tính chất nhạy cảm của yếu tố an ninh năng lượng, có tác động lớn đến kinh tế -xã hội của bất kỳ quốc gia nào, thế nên, kinh doanh xăng dầu không thuần túy là bài toán lợi nhuận mà còn là nhiệm vụ chính trị. Thực tế, kinh doanh xăng dầu thời gian qua chịu áp lực lớn từ mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Khi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là cái đích lớn nhất, mọi điều hành đều phải tuân thủ. Đây chính là lợi ích lớn nhất và chỉ khi đạt được mục tiêu này mới tạo “mặt bằng” tốt để mọi ngành phát triển và là điều kiện đảm bảo công bằng kinh tế trong xã hội.

Sau hơn 3 năm thực hiện, Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 (Nghị định 84) của Chính phủ đã thể chế hóa một bước về điều hành giá xăng dầu có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, trong những điều kiện bất thường, Nhà nước giữ quyền định giá nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc thị trường. Đây là lựa chọn điều hành phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại.

Còn trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp được định giá nhưng theo quy trình giám sát, kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Nghị định 84 đã tạo tiền đề cho thị trường xăng dầu cạnh tranh với sự gia tăng số đầu mối nhập khẩu, cơ bản đáp ứng nguồn cung trong mọi tình huống, chấm dứt việc Nhà nước bù lỗ xăng dầu và giá bán lẻ trong nước cơ bản bám sát giá thế giới.

Theo nhịp thị trường

Thị trường xăng dầu trong nước luôn nóng với câu hỏi “thế giới giảm giá sao mình lại tăng”? Thế nhưng câu hỏi “tại sao giá của chúng ta luôn thấp hơn nước láng giềng” lại chưa bao giờ được nêu ra một cách nghiêm túc. Trả lời cả hai câu hỏi này sẽ mang lại sự công bằng trong đánh giá.

Sau lần tăng giá được xem là kỷ lục ngày 28/3/2013, giá xăng của Việt Nam vẫn thấp hơn giá xăng ở Lào (gần 5.000 đồng/lít), Campuchia (4.000 đồng/lít) và Trung Quốc (hơn 1.000đồng/lít). Thực tế là khoảng cách lớn giữa giá xăng dầu trong nước và các nước láng giềng đã làm phát sinh nạn buôn lậu xăng dầu, gây thiệt hại lớn cho đất nước.

Sự chưa đồng thuận của xã hội về vấn đề giá xăng dầu có hai nguyên nhân. Một là do Nhà nước bù lỗ giá xăng dầu trong thời gian dài nên người tiêu dùng dù ủng hộ cơ chế thị trường vẫn có tâm lý muốn duy trì giá xăng dầu có bình ổn.

Thứ hai là công tác thông tin điều hành giá xăng dầu của các cơ quan chức năng chưa đầy đủ, chưa kịp thời dẫn tới phản ứng không thuận của dư luận.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, do chu kỳ điều chỉnh vừa qua quá dài nên giá trong nước đã “tách nhịp” với thị trường thế giới. Việc bình ổn dù mang lại lợi ích lớn về kinh tế vĩ mô nhưng không trực tiếp nên người dân khó nhận thấy, sinh nghi ngờ về tính minh bạch cũng là dễ hiểu!

Tuy nhiên, việc kìm giá trước, trong và sau Tết Âm lịch vừa qua là cần thiết. Thời điểm đó, do giá xăng dầu thế giới tăng cao, khiến giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ khoảng 2.000 đồng/lít. Nếu quyết định tăng giá sẽ gây tác động tiêu cực rất khó lường vì trùng thời điểm “sóng giá” thường lên cao vào dịp Tết. Do đó, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định không tăng giá mà cho sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu ở mức 2.000 đồng/lít đối với xăng.

Trở lại vấn đề công thức tính giá. Giá cơ sở tính bằng giá nhập khẩu (CIF) cộng với các chi phí, phí, lãi định mức... được quy định rất chặt chẽ tại Nghị định 84 và Thông tư 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Giá nhập khẩu dựa theo giá Platts Singapore (giá xăng dầu thành phẩm). Do vậy, việc tham chiếu giá dầu mỏ để khẳng định xăng dầu “đắt, rẻ” là chưa đủ. Bởi dầu mỏ chỉ là một yếu tố đầu vào của sản xuất xăng dầu. Thực tế thị trường cho thấy nhiều khi giá xăng dầu đi ngược lại giá dầu mỏ trong trường hợp thiếu hụt công suất lọc dầu. Thực tế, chỉ một vài nhà máy ngừng sản xuất, giá xăng dầu đã tăng mạnh.

Do đặc thù là mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, Nhà nước quy định kinh doanh xăng dầu phải dự trữ 30 ngày, do vậy phải tính giá thế giới bình quân 30 ngày. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng có sự bất nhất về số ngày tính giá bình quân, lúc thì 20 ngày, lúc trên 20 ngày. Điều này là do sàn giao dịch Singapore không làm việc trong cả 30 ngày của chu kỳ tính giá trung bình nên một số ngày không có giá.

Trở lại quyết định tăng giá ngày 28/3/2013, dù chịu búa rìu dư luận nhưng phân tích cụ thể thực tế tình hình thì đây là quyết định hợp lý và cần thiết, vì đã giảm thiểu tác động tiêu cực, cho kinh doanh xăng dầu trở lại nhịp thị trường.

Thời điểm đó, hai công cụ điều hành giá đã hết dư địa: Quỹ bình ổn xăng dầu đã âm, thuế nhập khẩu ở mức thấp nên chỉ còn công cụ duy nhất là điều chỉnh giá. Quyết định tăng giá xăng 1.430 đồng/lít để khôi phục lợi nhuận định mức 300 đồng/lít cho doanh nghiệp đầu mối, đã phải chấp nhận “nén giá” trong một thời gian dài.

Ở đâu theo chợ đó

Làm thế nào có xăng dầu rẻ? Thứ nhất là về nguồn cung. Nhiều ý kiến cho rằng nên sang Trung Đông mua tận nguồn sẽ rẻ hơn, thay vì ở sàn giao dịch Singapore. Và hiện không phải chỉ có mình Việt Nam đi “chợ” xăng dầu Singapore. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ của Việt Nam thấp, khoảng 15 - 16 triệu m3/năm, liệu chúng ta có thể chen chân vào sân chơi này hay không?

Điều này giống như sống ở phố cổ Hà Nội nhưng lại đi chợ đầu mối Đông Anh để có giá rẻ. Hơn nữa, xăng dầu là mặt hàng chiến lược nên các Chính phủ giữ vai trò rất lớn và không phải doanh nghiệp nhập khẩu muốn là sang Trung Đông mua được.

Hiện tại, giá xăng dầu thế giới được căn cứ vào giá trung bình tại sàn giao dịch Singapore, giá được hình thành thông qua sự chào bán của rất nhiều nhà cung cấp với mức giá khác nhau, giống như thị trường ngoại tệ.

Thứ hai là phương thức mua. Hiện tại, nhập khẩu xăng dầu có hai phương thức mua bán, theo kỳ hạn (term) và theo lô (spot). Nhiều ý kiến cho rằng, mua theo lô thường đắt hơn mua theo kỳ hạn nhưng việc quyết định mua bằng phương thức nào, vào thời điểm nào mới là yếu tố quyết định giá có lợi hay không. Còn khó có thể nói mua bằng phương thức nào là rẻ và phương thức nào là đắt.

Việc quá chú ý vào giá cả trong một thời điểm đối với mặt hàng luôn biến động như xăng dầu sẽ không thấy được cái lợi của sự ổn định của cả nền kinh tế. Hiện kinh tế vĩ mô đã có xu hướng ổn định là điều kiện để thực hiện giá thị trường không chỉ với xăng dầu.

Ở một khía cạnh khác, nếu duy trì giá năng lượng thấp sẽ không khuyến khích chuyển đổi công nghệ, điều kiện để nâng cao hiệu quả tăng trưởng, bảo vệ môi trường./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên