Điều tra 5 đơn vị có dấu hiệu sai phạm sử dụng vốn
VOV.VN - Sai phạm thuộc về sử dụng nguồn vốn nhà nước, các dự án, bảo hiểm và hoạt động tài chính.
Tại buổi họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách 2011 diễn ra sáng 25/7, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2012, qua công tác kiểm tra, kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phát hiện 5 đơn vị có dấu hiệu bất thường liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn và tham nhũng, kịp thời chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật.
Cụ thể, qua việc kiểm toán các dự án của Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên, KTNN đã phát hiện 2 dự án cấp nước liên xã ở huyện Kim Thủy và huyện Ân Thi. Hai công trình này đến cuối năm 2011 đã có số lượng quyết toán khống hơn 3 tỷ đồng so với hồ sơ quyết toán.
Vụ việc tiếp theo liên quan đến Công ty CP lương thực Thanh Nghệ Tĩnh thuộc Vinafood 1 (Tổng Công ty lương thực miền Bắc). Công ty này ký hợp đồng với 3 công ty TNHH tại Tiền Giang để mua gạo, trong hợp đồng ứng trước vốn tới 90% (tương đương 143 tỷ đồng) sau đó mới nhận hàng, nhưng đến thời hạn không nhận được hàng.
Nếu tính lãi suất trong thời gian ứng trước vốn theo điều khoản hợp đồng lên tới hơn 18 tỷ đồng, doanh nghiệp này đã bị chậm vốn hơn 160 tỷ đồng, rơi vào tình thế khó khăn. Xác định đây là vụ việc có dấu hiệu bất thường, KTNN đã đưa sự việc này qua cơ quan điều tra.
Liên quan đến bảo hiểm xã hội, KTNN kiểm toán Công ty Tài chính 2 thuộc Bộ NN&PTNT. Công ty này ngay từ năm 2010 đã được KTNN đánh giá có dấu hiệu vi phạm về cơ cấu vốn nên đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra tiến hành điều tra làm rõ.
Vụ việc này đã được khởi tố và đưa ra xét xử. Trước đó, Bảo hiểm xã hội có cho Công ty Tài chính 2 vay vốn, từ năm 2010 qua kiểm toán vẫn thấy cơ quan này có khả năng khắc phục, nhưng đến năm 2012 hầu như việc khắc phục rất khó khăn. Vụ án có liên quan đến nguồn tiền hơn 1.000 tỷ đồng cả gốc và lãi trong đó có các điều kiện cho vay vốn, mức bảo lãnh, phương án, đối tượng cho vay không phù hợp.
Tiếp đó là công ty Bê tông xây dựng Xuân Mai (thuộc Vinaconex) mua đất nông nghiệp trong diện quy hoạch với số tiền vài chục tỷ đồng. Việc làm này có liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn nhà nước sai mục đích.
Vụ việc tiếp theo xảy ra tại Công ty Tài chính Sông Đà. Trong các chuyên đề kiểm toán tại công ty này, KTNN phát hiện việc huy động cũng như sử dụng vốn có những dầu hiệu tiêu cực, cụ thể trong việc chi lương, khuyến mãi, mua bán ngoại tệ.../.