DN nhỏ và vừa khó trụ vững nếu đại dịch Covid-19 kéo dài
VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang lao đao vì đại dịch Covid-19, phải cắt giảm tối đa chi phí, nhân sự và tìm hướng sản xuất, kinh doanh mới…
Theo kết quả khảo sát nhanh của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng thì gần 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đã chủ động thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh do bị đứt gãy chuỗi cung ứng về cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ….
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa lo khó trụ vững nếu đại dịch Covid-19 kéo dài. (Ảnh minh họa) |
Một số doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất nên người lao động không còn việc làm đành phải loay hoay tìm công việc mới. Nhiều đối tượng khác như: giáo viên mầm non, những người buôn bán nhỏ, lao động phổ thông như trông xe, phục vụ quán xá, nhà hàng… lâm vào hoàn cảnh khó khăn bởi đa số những người đó ít có tích lũy, tiết kiệm, đang phải lo lắng vô cùng cho tương lai.
Chủ động thích nghi với mùa dịch
Chị Hải Yến, kế toán một công ty kinh doanh văn phòng phẩm và thiết bị trường học chia sẻ, hiện tại công ty chị phải cân đối lao động để cho nghỉ việc luân phiên. "Mùa dịch Covid-19 khiến doanh thu sụt giảm, hàng hóa ế ẩm, các hoạt động kinh doanh đình trệ. Công ty tôi phải gồng mình để trả lương cán bộ, nhân viên, đồng thời vận động người lao động nghỉ ở nhà không lương để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp", chị Yến thông tin.
Theo chia sẻ của chị Yến, đến 15/3, công ty của chị phải tạm cho nghỉ việc 57 người. Bắt đầu từ tháng 4 thì một số nhân viên giảm ngày làm, mỗi tuần nghỉ 3 ngày. "Nếu tình hình không được cải thiện, công ty có thể sẽ thông báo cho toàn bộ cán bộ, nhân viên nghỉ các ngày 3,5,7, Chủ Nhật. Thu nhập mỗi tháng giảm ít nhất 50%", chị Yến nói.
Anh Hoàng Thanh - chủ một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị điện tử tại Hà Nội cho hay: Là một công ty quy mô nhỏ nên sức chống đỡ trước đại dịch Covid-19 còn hạn chế. Doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự, giảm lương nhân viên, cắt tối đa chi phí và phải tính toán lại phương án kinh doanh trong lúc hàng hóa ế ẩm, doanh thu xuống thấp.
"Chưa có năm nào sắp vào hè mà các mặt hàng điện tử, điện lạnh lại vắng khách như năm nay. Chi phí đầu vào không giảm, trong khi các chi phí thường xuyên như tiền thuê cửa hàng, nhân viên không thể giảm được hơn, hàng lại không bán được. Quy mô nhỏ như công ty tôi chắc chỉ cầm cự được vài tháng nữa, nếu dịch bệnh kéo dài tôi lo sẽ không tiếp tục duy trì kinh doanh thế này được", anh Thanh không khỏi lo lắng.
Dự tính đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, chị Hương Gia - chủ một công ty xuất khẩu lao động tại Hà Nội đã sớm đưa ra thông báo về phương án làm việc trong mùa dịch. Công ty chị Gia đã quyết định cho nhân viên nghỉ và trực máy tính tại nhà kể từ ngày 23/3/2020 đến hết 30/4/2020.
Về phương pháp tính lương trong thời gian làm việc online tại nhà, chị Gia thông tin: Từ 23/3/2020 vẫn tính 100% lương. Từ 1/4/2020 đến 30/4/2020 tính 50% lương cơ bản. "Tôi mong nhân viên công ty cùng đồng lòng chia sẻ khó khăn và chấp nhận phương án một cách thoải mái để khi hết dịch bệnh lại tiếp tục hoạt động bình thường trở lại", chị Gia mong mỏi.
Tin tưởng vào mô hình kinh doanh online và sức mạnh của sự kết nối, chị Quỳnh Trần - chủ tiệm bánh úy tín tại TP HCM chia sẻ, một tháng trở lại đây hầu hết các hoạt động làm việc của mình đều diễn ra trong nhà.
Hàng quán, các chuỗi ăn uống, mua sắm tại cửa hiệu đều ảnh hưởng. Tiệm bánh của chị Quỳnh Trần thì chuyển 100% sang online, doanh số ổn định và có phần tăng trưởng nhẹ vì hành vi tiêu dùng của cả xã hội đều thay đổi.
"Câu chuyện online và kết nối đã là xu hướng từ lâu nhưng đây là thời điểm để nhiều người nhìn thấy rõ nhất sự tác động không mong muốn từ những điều không mong muốn lên mô hình thuần túy truyền thống. Kinh tế chia sẻ là khái niệm sẽ được nhắc nhiều trong những năm tháng tới", chị Quỳnh Trần nói.
Phát huy ý chí vượt khó
TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp cần theo dõi thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng để chủ động và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người lao động; tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường…
Hiệp hội đã đề nghị Chính phủ sớm có chính sách bổ sung đặc biệt giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; chỉ đạo ngành ngân hàng xem xét cơ cấu lại các khoản vay, giãn thời gian trả nợ vay, tăng cường các gói hỗ trợ tín dụng, hoạt động tư vấn, thông tin đến khách hàng về điều kiện tiếp cận vốn vay và trả nợ tín dụng ngân hàng…
Ông Thân cũng kiến nghị ngành tài chính xem xét miễn, giãn, giảm thuế và hoàn thuế VAT... cho các doanh nghiệp gặp khó khăn duy trì kinh doanh do dịch Covid-19.
"Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc trách nhiệm từ các bộ, ngành, địa phương, cùng với ý chí vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, dịch Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi, hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng được hồi phục…", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tin tưởng./.