Doanh nghiệp cà phê đầu tiên đáp ứng quy định chống mất rừng EUDR
VOV.VN - Sau 9 tháng nỗ lực, công ty Simexco đã được trao 2 chứng nhận của Tổ chức 4C, đối với 2 vùng trồng đáp ứng quy định chống mất rừng EUDR với tổng diện tích 9.500 ha, sản lượng trên 35.000 tấn/năm.
Quy định chống mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) ban hành hồi giữa năm 2023, sẽ được áp dụng từ đầu năm 2025, đây được coi là thách thức lớn đối với các DN xuất khẩu nông sản vào thị trường này. Nhưng ở tỉnh Đắk Lắk đã có DN tiên phong vượt qua, khi có vùng trồng cà phê rộng 9.500 ha được cấp chứng nhận này.
Doanh nghiệp có vùng trồng vừa nêu là Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV XNK 2 tháng 9 tỉnh Đắk Lắk (Simexco). Theo ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc công ty cho biết, kết quả này được xây nền từ năm 2009, khi Simexco bắt tay phát triển các vùng nguyên liệu cà phê bền vững, đẩy mạnh liên kết, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Sau 15 năm, DN đã hợp tác với 40.000 hộ, xây dựng vùng liên kết trên 50.000 ha, sản xuất trên 100.000 tấn cà phê mỗi năm.
Để đáp ứng EUDR, Simexco đã sớm triển khai hàng loạt biện pháp thu thập dữ liệu vùng trồng và các thủ tục pháp lý liên quan. Đến nay, sau 9 tháng nỗ lực, công ty đã được trao 2 chứng nhận của Tổ chức 4C, đối với 2 vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn EUDR, tổng diện tích 9.500 ha, sản lượng trên 35.000 tấn/năm.
Theo ông Bạch Thanh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), EUDR là thách thức không chỉ với các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam mà với các doanh nghiệp toàn cầu. Ông Bạch Thanh Tuấn cho rằng, nỗ lực và kết quả mà Simexco Đắk Lắk đạt được thực sự mang tính tiên phong.
“Ở cấp độ tỉnh Đắk Lắk cũng như các thành viên của VICOFA, Simexco là công ty tiên phong. Đối với cấp độ kinh doanh toàn cầu, đây cũng là DN tiên phong thiết lập hệ thống cần và đủ trong hành trình tuân thủ và được chứng nhận của EUDR. Chứng nhận không những mang lại giá trị cho chính DN, mà còn tạo nên động lực, tạo một nguồn cảm hứng trong bối cảnh ngành cà phê có những cung bậc mới”, ông Tuấn cho biết.
Về phía tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Đắk Lắk là một trong 2 tỉnh ở Tây Nguyên được Bộ NN&PTNT giao triển khai các giải pháp để ngành cà phê đáp ứng EUDR, từ đó sớm triển khai các giải pháp phù hợp.
Với sự đồng lòng của các DN, các tổ chức, các cấp chính quyền, ngoài 9.500 ha của Simexco vừa được chứng nhận, Đắk Lắk sẽ có thêm khoảng 100.000 ha sẽ hoàn thành việc kiểm tra trong quý III/2024 để được cấp chứng nhận phù hợp với EUDR. Ông Nguyễn Hoài Dương đánh giá, trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Simexco Đắk Lắk luôn là DN đồng hành tích cực.
“Phía tỉnh Đắk Lắk tích cực xác định các nhiệm vụ công việc rất cụ thể. Trong quá trình đó, Simexco là DN có trách nhiệm và khi các DN cà phê đã vượt qua thách thức này, tạo ra cơ hội lớn trở thành ưu thế cho ngành hàng cà phê khi tham gia vào thị trường EU, kể cả về thị trường về giá cả. Qua đó sẽ nâng uy tín của DN cũng như ngành hàng và uy tín cho cả tỉnh Đắk Lắk”, ông Dương khẳng định.
Quy định chống mất rừng (EUDR) được Liên minh châu Âu (EU) ban hành tháng 6/2023 và sẽ được áp dụng vào tháng 1/2025. Theo đó sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng, trong đó có cà phê nếu sản phẩm được sản xuất trên những diện tích có được nhờ phá rừng kể từ năm 2020.
Quy định này yêu cầu DN đưa sản phẩm vào lưu thông tại thị trường EU phải có đầy đủ hồ sơ, chứng nhận vùng trồng cùng các điều kiện về lao động, xã hội và môi trường. Đây là thách thức rất lớn, vì để đáp ứng các quy định EUDR, các DN phải đầu tư lớn về kinh phí, thu thập lượng lớn dữ liệu và thực hiện hàng loạt các thủ tục pháp lý cần thiết.