Doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ khó ôm “đất vàng”?
VOV.VN - Theo dự thảo nghị định của Bộ Tài chính, doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ khó lợi dụng để nắm giữ "đất vàng”.
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định về chuyển doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Một trong những điểm đáng chú ý là sẽ phương án ngăn tình trạng doanh nghiệp cố tình lợi dụng để nắm giữ “đất vàng”. Đồng thời sẽ có những quy định chặt chẽ về thoái vốn, ngăn chặn tình trạng thoái vốn nội bộ theo thỏa thuận.
Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì họp báo |
Điểm mới trong dự thảo là bổ sung quy định đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa phải xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phương án sử dụng đất phải được gửi đến Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính cho biết, doanh nghiệp sau cổ phần hóa khi thuê đất trả tiền hàng năm, tránh lợi dụng giá thời điểm thấp thuê, còn giá thời điểm cao chuyển đổi mục đích.
Doanh nghiệp nào được giao đất, phải quy hoạch rõ danh mục sử dụng đất. Việc làm này nhằm ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tiếp tục nắm giữ lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý, mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương- nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và thuê, ông Tiến nêu rõ.
Một thay đổi đáng chú ý khác là chính sách bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá.
Ông Nguyễn Duy Long, Tổ trưởng Tổ biên soạn dự thảo cho biết, việc mua cổ phần ưu đãi sẽ theo số năm công tác tại doanh nghiệp nhà nước cho toàn bộ lao động và lãnh đạo doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định điều chỉnh theo hướng người lao động được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực Nhà nước, với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần). Quy định này nhằm tạo thuận lợi hơn cho người lao động được nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp sau cổ phần.
Trả lời câu hỏi về lo ngại việc thoái vốn diễn ra theo thỏa thuận, nội bộ, dễ gây thất thoát tài sản nhà nước hoặc biến doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp của gia đình, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, việc thoái vốn phải thực hiện công khai, minh bạch. Trong luật quản lý vốn có hiệu lực 1.7.2015, việc bán vốn nhà nước phải theo 3 bước: đấu giá công khai sau đó chào bán cạnh tranh. Nếu không bán được mới phải dùng đến hình thức bán thỏa thuận.
Bộ Tài chính cho biết, một điều chỉnh khác trong dự thảo là tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hoá. Theo đó, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai (bỏ hình thức bán thỏa thuận trước).
Nhà đầu tư chiến lược phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi và không có lỗ lũy kế. Đồng thời phải cam kết gắn bó lâu dài, hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa và phải có nghĩa vụ bồi thường nếu không thực hiện đúng cam kết./. Bốc thăm tứ kết Champions League 2016/2017: Nín thở chờ đại chiến