Doanh nghiệp đang giảm dần lệ thuộc vào ngân hàng

(VOV) -Khảo sát của HSBC cho thấy, 37% DN cho biết muốn tự thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong hợp đồng thương mại. 

Trái ngược với hầu hết các nước láng giềng ở khu vực mới nổi của Châu Á, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức hai con số trong 9 tháng qua, đi qua giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu một cách khá tích cực.

Đây là một trong những đánh giá tích cực mà HSBC vừa đưa ra trong Báo cáo triển vọng kết nối giao thương toàn cầu và Báo cáo triển vọng kết nối giao thương cho từng khu vực và 23 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Niềm tin của DN giảm nhẹ

Báo cáo về Chỉ số Tin cậy Thương mại của HSBC gần đây cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đã giảm nhẹ trong 6 tháng vừa qua, từ 115 điểm xuống còn 110 điểm. Dù vẫn có đến 73% doanh nghiệp được khảo sát mong đợi tăng trưởng thương mại cao hơn hoặc giữ như cũ, thì con số này đã giảm xuống từ mức 80% trong đợt khảo sát trước đó. Mặc dù những nhà xuất nhập khẩu chưa thể hiện quan ngại gia tăng về khả năng thanh toán hay thực hiện đơn hàng nhưng họ vẫn đang đi theo xu hướng chung của nhà xuất nhập khẩu khác trong khu vực tìm cách siết chặt hơn các điều khoản thanh toán (chiếm 32%).

Thêm vào đó các thương nhân Việt Nam có cái nhìn kém lạc quan hơn so với khảo sát 6 tháng trước đây khi được hỏi về những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế toàn cầu. Chỉ 34% dự đoán về tăng trưởng dưới các hình thức khác nhau, trong khi đó, con số này trong 6 tháng đầu năm là 51%.

Giống như các thương gia ở Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam đang giảm dần lệ thuộc của họ vào ngân hàng trong vấn đề tài trợ thương mại (32%) và 37% cho biết rằng họ muốn tự thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong hợp đồng. Mối quan ngại về ngoại hối dường như đã giảm xuống phần nào khi 58% các thương gia dự đoán tỷ giá hối đoái sẽ biến động theo hướng có lợi cho họ và sẽ không tăng lên nữa. Thị trường nội vùng sẽ là cốt lõi trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc Đại lục, Đông Nam Á và phần còn lại của Châu Á là những đối tác thương mại lớn nhất và ngày càng gia tăng thị phần trong hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam.

Ông Alan Keir- Giám đốc Điều hành kiêm giám đốc Toàn cầu khối Dịch vụ tài chính doanh nghiệp-Ngân hàng HSBC cho biết: “Mặc dù có nhiều khó khăn trong năm 2012, nhưng có một điều chắc chắn là thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh trong cả ngắn hạn và dài hạn, với tốc độ tăng trưởng thương mại vượt qua tốc độ tăng trưởng GDP đến năm 2030. Những nền kinh tế mới nổi sẽ chèo lái sự tăng trưởng này với vai trò của các nước nhỏ hơn đóng vai trò ngày càng lớn hơn khi bắt đầu tham gia với tư cách là các đối tác thương mại tiềm năng. Các quốc gia có tham vọng, tràn đầy tinh thần doanh nghiệp và các doanh nghiệp tự tin vẫn đang tìm kiếm cơ hội để phát triển. Tuy nhiên dự báo cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp tại Anh và Mỹ có cơ hội để tận dụng sự tăng trưởng tại các thị trường mới nổi này, với tư duy kinh doanh đột phá hơn trong việc đa dạng hóa, mở rộng phạm vi đối tác ra khỏi các thị trường phát triển quen thuộc để tìm kiếm những cơ hội mới.”

James Emmett, Giám đốc toàn cầu Trung tâm thanh toán và Tài trợ thương mại-Ngân hàng HSBC, cho biết thêm “Thực tế là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Hoa Kỳ và Anh vào Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng lên phản ánh xu hướng đang diễn ra và tiếp tục gia tăng của nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cao cấp có chất lượng cao được sản xuất tại Anh và Mỹ. Nhu cầu này bao gồm cả các sản phẩm tiêu dùng gia dụng đến các sản phẩm chuyên dụng trong các lĩnh vực như công nghệ và y dược. Sự dịch chuyển này tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp ngay tại các thị trường phát triển trên toàn cầu vì các nước như Trung Quốc, vốn trước đây được biết đến như là công xưởng của thế giới về sản xuất và chế tạo, đang trở thành một thị trường quan trọng không kém cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại Châu Âu.”

Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam

Trong năm vừa qua, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Từ khi ký kết Hiệp ước Thương mại song phương Việt – Mỹ và sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm 2007, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp  mặt hàng quần áo và giầy dép lớn thứ hai cho thị trường Hoa Kỳ sau Trung Quốc. Trong những năm trở lại đây, điện thoại di động và các phụ kiện liên quan dần trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau quần áo), chiếm hơn 10% sản lượng xuất khẩu. Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng đến năm 2013, mặt hàng này sẽ vượt qua sản phẩm may mặc trở thành nguồn doanh thu xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Nhu cầu về quần áo và giầy dép ít bị ảnh hưởng từ sự biến động kinh tế toàn cầu so với các hàng hóa khác và điều này, kết hợp với tốc độ tăng trưởng nhanh trong việc  xây dựng thị phần trong ngành viễn thông của Việt Nam, đã giúp bảo vệ Việt Nam tránh khỏi ảnh hưởng từ sự sụt giảm về nhu cầu hàng hóa trên toàn thế giới trong thời gian gần đây.

Xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ớ mức hơn 10% mỗi năm cho đến cuối năm 2030 với xuất khẩu sang các nước mới nổi còn lại của Châu Á, khu vực Trung Đông và Châu Phi tăng trưởng ở mức 2 con số cho. Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn sẽ là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Kế hoạch mở rộng Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN, tiến tới xóa bỏ rào cản thuế quan ở tất cả các mặt hàng vào năm 2015 sẽ là một nhân tố hỗ trợ nữa cho mậu dịch giữa Việt Nam và các nước trong khu vực về trung hạn.

Tăng trưởng xuất khẩu vào châu Âu (trừ Nga) và Australia, New Zealand và Châu đại dương được kỳ vọng sẽ đạt trung bình 9%/năm từ năm 2020 đến năm 2030. Khả năng thu hút và giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất các sản phẩm có giá trị cao như: điện tử, máy vi tính và điện thoại là một lợi thế của Việt Nam

Tháng 6/2012, Standard and Poor’s đã tăng hạn mức tín nhiệm triển vọng thị trường Việt Nam từ tiêu cực lên ổn định, trong đó ghi nhận thành công của các cấp lãnh đạo trong việc kiểm soát lạm phát, giảm thiểu thâm hụt tài chính và cải thiện cán cân thương mại và tài khoản vãng lai. Tài khoản vãng lai Việt Nam hiện nay đã chuyển từ số thâm hụt 12% GDP trong năm 2008 lên thặng dư trong năm 2011. “Chúng tôi hi vọng rằng những cải cách này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới” – đại diện HSBC nói.

Cùng với việc xuất khẩu tăng mạnh, Việt Nam cũng sẽ trở thành nhà nhập khẩu với quy mô lớn, cả về nhập khẩu vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và nhập khẩu hàng tiêu dùng để đáp ứng cho thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh. Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh sẽ trở thành đối tác nhập khẩu có mức tăng trường cao nhất của Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên