Doanh nghiệp đối diện với “bóng ma” tin đồn
VOV.VN - Trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn hiện nay, không ít đối tượng lợi dụng để tung các tin đồn thất thiệt mang tính bịa đặt, thậm chí xuyên tạc liên quan đến nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam, gây tổn hại thị trường tài chính, chứng khoán và toàn bộ nền kinh tế.
Nếu không kịp thời đối diện, xử lý kịp thời “bóng ma” tin đồn, doanh nghiệp hoàn toàn có thể bị lung lay, thậm chí phá sản vì mất niềm tin từ khách hàng, đối tác, kéo theo đó là hàng ngàn, thậm chí hàng vạn người lao động mất việc làm…Thế nhưng, làm thế nào để “đối diện và xử lý “bóng ma” tin đồn” lại là việc không hề đơn giản.
Không phải bây giờ khi thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, tin đồn, tin giả mới xuất hiện, mà từ lâu đã là “nỗi khiếp sợ” với doanh nghiệp và nền tài chính bởi sức công phá kinh hoàng của nó. Một doanh nghiệp bất kỳ đang kinh doanh bình thường một ngày đẹp trời bị tung thông tin sản phẩm của họ có chất gây hại, thậm chí gây ung thư. Chưa chờ được kiểm chứng, xác thực thông tin, ngay lập tức, chuỗi cung ứng hàng hóa đang bình thường bị chặn lại, đối tác ngừng nhập hàng, người tiêu dùng quay lưng…và khỏi phải nói, thiệt hại cho những thông tin kiểu này là không thể đong đếm.
Một loại tin đồn nữa gây hại cho cổ phiếu của doanh nghiệp là sức khỏe của chủ doanh nghiệp có vấn đề hoặc chủ tịch công ty bị tạm giam… Chỉ cần những thông tin sai lệch ấy xuất hiện lan tràn trên không gian mạng không được kiểm soát và không ứng phó kịp thời , doanh nghiệp đã có thể “lĩnh đủ”: khủng hoảng hệ thống phân phối, mất việc làm của cả nghìn người, thậm chí mất đi thương hiệu cả chục năm gây dựng…
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích: “Điều đáng ngại hơn là tác động của tin giả này là nhiều lúc doanh nghiệp như đối đầu với "bóng ma", từng doanh nghiệp một sẽ rất khó biết nó từ đâu ra, vì cái gì, liên quan đến ai? Cho nên ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn. Tình trạng này có thể chỉ có cơ quan chức năng với bộ máy, với kỹ thuật và thẩm quyền của mình mới có thể lần ra được nó ở đâu ra. Chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn, đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách tích cực”.
Từng là nạn nhân của tin giả, tin đồn trên mạng xã hội, một doanh nghiệp chứng khoán dù đã nhanh chóng đưa ra giải pháp ứng phó với tin đồn, đưa doanh nghiệp ổn định trở lại, đại diện doanh nghiệp này vẫn mong muốn giải bài toán tin giả, tin đồn trên mạng xã hội một cách triệt để bằng giải pháp đồng bộ, tổng thể nhằm điều chỉnh hành vi, thay đổi nhận thức của mỗi người, bao gồm từ người đưa tin đến người chịu ảnh hưởng của thông tin, người đọc, người tiếp nhận thông tin, qua đó giúp toàn xã hội xử lý và phản ứng nhanh hơn với tin giả- tin đồn.
Theo các chuyên gia truyền thông, khi thông tin trên mạng xã hội có tốc độ lan truyền như hiện nay, điều mà các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần quan tâm là việc cung cấp thông tin càng cởi mở bao nhiêu thì càng tạo ra cơ hội tiếp xúc với công chúng, trực tiếp giải thích các vấn đề công chúng đang băn khoăn, lo lắng bấy nhiêu. Đặc biệt, tính minh bạch phải được đặt lên hàng đầu, thậm chí doanh nghiệp cần chủ động nói với công chúng cả những điều công chúng còn chưa quan tâm đến.
Ông Lê Quốc Vinh, chuyên gia truyền thông khẳng định: “Về mặt công nghệ chúng ta có thể đo lường được sắp tới mọi người sẽ quan tâm tới gì, lo lắng vì tin đồn gì thì chúng ta chủ động nói trước. Với cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp là đừng bao giờ để đến khi công chúng thắc mắc một vấn đề gì đó họ phải tự đi tìm kiếm thông tin. Mình là người chủ động đưa ra thông tin ngay khi mình đo lường sức nóng vấn đề thì nó mới tạo ra niềm tin cho công chúng. Khi để họ băn khoăn, lo lắng đi tìm hiểu vài ba ngày, thậm chí vài ba tuần rồi mới trả lời thì ta đi sau truyền thông và lúc đó khó lấy lại niềm tin từ công chúng”.
Có một thực tế đáng tiếc tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp chưa thực sự có chiến lược truyền thông tốt, chưa chủ động cung cấp thông tin về tổ chức, doanh nghiệp mình. Cơ chế phát ngôn cứng nhắc, thủ tục rườm rà cũng khiến khâu phản ứng chậm chạp, lúc đó tin đồn đã có thể lan quá nhanh. Vấn đề là phải có được hệ thống truyền thông đủ mạnh, kịp thời, đúng lúc để xử lý những tin đồn gây bất lợi cho doanh nghiệp. Về lâu dài, cần có đầu mối hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cho người dân, các cơ quan nhà nước về cách thức xử lý tin đồn.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Thực tế cho thấy doanh nghiệp không chủ động, chỉ khi nào có khủng hoảng truyền thông thì mới bắt đầu đi xử lý nên lúc nào cũng chậm. Do đó, phải có kế hoạch bài bản về truyền thông và luôn luôn phải đi trước 1 bước là dự báo, dự đoán vấn đề về sẽ liên quan. Tất nhiên khi khủng hoảng truyền thông ta phải có những cách ứng xử quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn”.
Hiện tại, chỉ có Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an đang chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý tin đồn- tin giả gây ảnh hưởng xấu trên môi trường mạng. Nhờ sự phối hợp quyết liệt này mà rất nhiều kẻ tung tin giả- tin đồn đã lần lượt bị đưa ra ánh sáng.
Từ trước tới nay, không gian mạng vẫn được coi là “ảo” nhưng với những thông tin giả mạo, xấu độc lại mang những tác động không hề “ảo”, nhất là liên quan đến các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, trái phiếu hay danh dự của tổ chức cá nhân.Vì vậy, người vi phạm trên môi trường “ảo” cũng phải bị nghiêm trị để tạo lập một môi trường thực sự lành mạnh, thượng tôn pháp luật./.