Doanh nghiệp FDI trốn thuế chủ yếu qua chuyển giá
VOV.VN -Theo TS Lê Đăng Doanh, thủ đoạn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trốn thuế chủ yếu là chuyển giá.
Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Doanh nghiệp FDI, minh bạch thuế và túi tiền quốc gia” do báo VnEconomy tổ chức, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, gần đây, chúng ta đã phát hiện doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mở rộng kinh doanh, đầu tư tăng thêm, nhưng không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều công trình đã cho thấy doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có hành vi chuyển giá.
Nhiều thủ đoạn chuyển giá
Đầu năm 2014, Bộ Tài chính có công bố một báo cáo của Tổng cục Thuế thanh tra 870 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và đã phát hiện 720 doanh nghiệp có vi phạm, trong đó có tỉnh như Quảng Ngãi có 27/27 doanh nghiệp đã có vi phạm, An Giang có 7/7 doanh nghiệp vi phạm. Tức là tỷ lệ vi phạm 100%.
Tỷ lệ vi phạm ở Tp.HCM là 85%, ở Hà Nội là 90%. Tại Hà Nội, có 326/332 doanh nghiệp vi phạm. Cơ quan chức năng đã truy thu được 1.500 tỷ đồng tiền thuế.
Thủ đoạn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trốn thuế chủ yếu là chuyển giá, tức là nâng giá đầu vào mà các công ty mẹ bán cho các công ty con ở Việt Nam lên mức giá rất cao và mua lại các sản phẩm của công ty con sản xuất ở Việt Nam với một mức giá rất thấp để cho công ty con ở Việt Nam không có lãi và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Công ty mẹ có trụ sở ở một nền kinh tế có tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn hẳn. Chẳng hạn, ở Hồng Kông, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là 15%, và công ty được lợi bằng cách chuyển toàn bộ lợi nhuận vào công ty mẹ và hưởng mức thuế thấp.
Một thủ đoạn khác được phát hiện là công ty con phải chịu chi phí quảng cáo không chỉ của công ty con quảng cáo ở Việt Nam, mà còn chịu cả phần chi phí quảng cáo của công ty mẹ. Có công ty như Adidas phải chịu chi phí quản lý của quá nhiều cấp. Adidas Việt Nam chịu phí quản lý của Adidas châu Á-Thái Bình Dương tại Singapore và chi phí của Adidas ở Đức.
Cơ quan thuế chậm phát hiện thủ đoạn chuyển giá
Qua những ví dụ vừa nêu, ông Doanh cho rằng, cơ quan thuế của Việt Nam đã chậm phát hiện các thủ đoạn chuyển giá và trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, và các luật về thuế và phí của Việt Nam cần được bổ sung và hoàn chỉnh để có thể xử lý được những thủ đoạn mà chúng ta đã phát hiện.
Ông Doanh còn cho rằng, việc chuyển giá này là phổ biến và các nước đều gặp, không phải chỉ xuất hiện ở các hãng bán lẻ hay sản xuất bia, nước ngọt, mà xuất hiện cả ở các ngân hàng và các công ty tài chính, và việc phát hiện và xử lý là hoàn toàn không dễ dàng vì các công ty đó có các chuyên gia về tài chính - kế toán rất thành thạo.
Họ nghiên cứu, so sánh thuế từng nước, luật kế toán từng nước để tìm và tận dụng mọi lỗ hổng. Bởi vậy, tìm ra việc trốn thuế, chuyển giá của các công ty nước ngoài là một cuộc đấu trí của hai bên thu thuế và nộp thuế. Bên nào trí tuệ., “võ nghệ” cao cường hơn thì bên đó sẽ thắng.
Với thực trạng đang diễn ra ở Việt Nam, ông Doanh khẳng định, tình trạng chuyển giá và trốn thuế của các doanh nghiệp FDI là phổ biến và thiệt hại đối với nguồn thu ngân sách về nghiêm trọng.
“Rất mong cơ quan thuế sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thuế các nước có công ty mẹ để có thể thu thuế một cách công bằng, đúng pháp luật”- ông Doanh đề nghị.
Bởi ông Doanh cho hay, hiện tượng này cũng xuất hiện ở nhiều nước và ngay cả những nước có nền kinh tế thị trường rất phát triển, bộ máy giám sát có tính chuyên nghiệp cao cũng vẫn phát hiện ra được những vụ trốn thuế, lậu thuế lên tới hàng tỷ USD, và mức phạt là rất cao. Vì vậy, cần có một chuyên đề về đối phó với chuyển giá và trốn thuế để nâng cao trình độ, kỹ năng đối phó với tình trạng này./.