Doanh nghiệp gia đình hoá giải mâu thuẫn để phát triển bền vững

VOV.VN - Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, nhiều doanh nghiệp gia đình có cổ phiếu thuộc nhóm vững mạnh trên thị trường chứng khoán.

Kinh tế tư nhân ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp quy mô gia đình. Tuy nhiên, với đặc thù riêng, các doanh nghiệp gia đình gặp không ít trở ngại chính vì phải làm việc với người nhà. Và nhiều doanh nghiệp gia đình đã biết chọn mục tiêu chung, tự hóa giải mâu thuẫn để phát triển bền vững.

Đại diện cho thế hệ thứ nhất của doanh nghiệp gia đình, bà Nguyễn Thị Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Legamex cho rằng các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam được hình thành trong quá trình đổi mới từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường và có ưu điểm là phát huy tốt các nghề truyền thống, huy động được nguồn vốn từ gia đình, dòng họ.

Doanh nghiệp gia đình hoá giải mâu thuẫn để phát triển bền vững. (Ảnh: KT)

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gia đình cũng có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp của gia đình nên mặc dù phát triển chậm nhưng bền vững. Chia sẻ về phương pháp quản trị doanh nghiệp gia đình hiệu quả để hạn chế xảy ra mâu thuẫn trong kinh doanh, bà Sơn cho biết, yếu tố đào tạo, truyền dạy kinh nghiệm, hiểu biết, kỹ năng của thế hệ trước cho thế hệ tiếp nối là quan trọng nhất.

“Một doanh nghiệp gia đình cần khuyến khích giới trẻ đi học tập, phát huy cái mới, tạo điều kiện về mặt kiến thức cho họ phát triển một cách độc lập” - bà Sơn nói.

Ở góc độ thế hệ kế thừa trong doanh nghiệp gia đình, bà Nguyễn Thị Hồng Trang, Tổng Giám đốc GS25, con gái của bà Nguyễn Thị Sơn cũng nhìn nhận yếu tố then chốt trong quản trị gia đình là học hỏi, tiếp thu từ thế hệ đi trước. Bà Trang cho biết, mẹ của bà có vai trò định hướng trong công việc kinh doanh, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong suốt quá trình làm việc trước đó. Trên cơ sở này, thế hệ kế thừa đã được truyền cảm hứng, tiếp nối được truyền thống của gia đình.

Theo bà Trang, để hoá giải mâu thuẫn trong doanh nghiệp gia đình và phát triển bền vững thì cần đào tạo cho thế hệ sau tiếp nối được từ thế hệ trước thông điệp về tầm nhìn và giá trị về kinh doanh cối lõi của gia đình: “Cần học hỏi không ngừng để mỗi thế hệ phải tự phấn đấu, nỗ lực để hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn mới. Một giá trị trong gia đình là các anh, chị, em cần có sự chia sẻ và phải yêu thương, đoàn kết với nhau để cùng phát triển.”

Nhấn mạnh yếu tố đảm bảo cho sự chuyển giao thành công giữa các thế hệ trong doanh nghiệp gia đình, ông Lâm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Nệm Liên Á cho rằng, văn hoá gia đình có vai trò quyết định. Trong quá trình vận hành luôn có sự xung đột, điều này cũng gây ra căng thẳng giữa các thành viên trong gia đình. Khi đó, áp dụng văn hoá gia đình là phương pháp để xử lý mâu thuẫn.

Dẫn chứng trong gia đình ba thế hệ của mình, ông Minh cho biết khi bố mẹ bận công việc kinh doanh thì bà nội là người đứng ra dạy dỗ, định hướng theo giá trị gia đình đó là sự kính trên nhường dưới, luôn luôn phải sống vì gia đình, phải đoàn kết giữa các thành viên.

“Sự kế thừa của thành viên trong gia đình không quan trọng mà phải xây dựng được một tổ chức phát triển bền vững. Nếu thành viên trong gia đình không đủ khả năng thì sự chuyển giao của người thân cũng không đạt kết quả. Để phát triển bền vững thì có thể lựa chọn người bên ngoài đủ năng lực, các thành viên trong gia đình giống như những cổ đông sáng lập” - ông Minh chia sẻ.

Do gốc gia đình là yếu tố nền tảng nên các doanh nghiệp này được điều hành dựa trên quản trị gia đình chứ hầu như không dựa trên hệ thống quản trị khoa học. Nhiều doanh nghiệp gia đình vẫn chưa phát triển qua hết một thế hệ, hoặc mới bắt đầu quá trình chuyển giao cho thế hệ thứ hai.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp gia đình còn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn như quyền lực điều hành doanh nghiệp không tương xứng với địa vị gia đình; việc kế thừa tài sản, chuyển giao quyền quản lý giữa các thế hệ; xung đột về lợi ích kinh tế giữa các thành viên trong gia đình…Đó là những điều mà các doanh nghiệp gia đình hiện nay đang phải vừa hoạt động vừa giải quyết cho hài hòa.

Hiện nay cả nước có trên 750.000 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Đa số các doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 96%), doanh nghiệp quy mô vừa chiếm 2% và 2% còn lại là doanh nghiệp lớn. Đáng chú ý, không ít doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp gia đình lớn mạnh, có nhiều sản phẩm mang thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới như Minh Long, Biti’s…

Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, nhiều doanh nghiệp gia đình có cổ phiếu thuộc nhóm vững mạnh trên thị trường chứng khoán.

Kinh nghiệm từ nhiều doanh nghiệp gia đình thành công là mạnh dạn lựa chọn những thành viên ngoài gia đình cho những vị trí phù hợp khi cần thiết, đồng thời bồi dưỡng cho thế hệ kế thừa. Nói cách khác, doanh nghiệp gia đình dù xuất phát từ nền tảng gia đình nhưng phải xây dựng được tầm nhìn dài hạn, hướng tới những tiêu chuẩn văn hóa, giá trị phù hợp với sự vận động của nền kinh tế mới có thể hướng tới mục tiêu phát triển bền vững./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hay “chết yểu“?
Vì sao doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hay “chết yểu“?

VOV.VN - Để doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không bị "chết yểu", cần phải nuôi dưỡng, nâng đỡ, hỗ trợ, chứ giao sứ mệnh gánh vác ngay thì họ không đủ sức.

Vì sao doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hay “chết yểu“?

Vì sao doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hay “chết yểu“?

VOV.VN - Để doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không bị "chết yểu", cần phải nuôi dưỡng, nâng đỡ, hỗ trợ, chứ giao sứ mệnh gánh vác ngay thì họ không đủ sức.

Doanh nghiệp tư nhân quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ
Doanh nghiệp tư nhân quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ

VOV.VN - Các doanh nghiệp tại TP HCM mong muốn với cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua, thành phố sẽ phát huy quyền điều hành, thu hút đầu tư...

Doanh nghiệp tư nhân quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ

Doanh nghiệp tư nhân quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ

VOV.VN - Các doanh nghiệp tại TP HCM mong muốn với cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua, thành phố sẽ phát huy quyền điều hành, thu hút đầu tư...

Doanh nghiệp tư nhân còn gặp khó khi muốn “bứt phá”
Doanh nghiệp tư nhân còn gặp khó khi muốn “bứt phá”

VOV.VN - Nguồn lực dành cho khối doanh nghiệp tư nhân còn thiếu hụt nhất là về cơ chế chính sách sẽ là rào cản lớn để trở thành động lực của nền kinh tế.

Doanh nghiệp tư nhân còn gặp khó khi muốn “bứt phá”

Doanh nghiệp tư nhân còn gặp khó khi muốn “bứt phá”

VOV.VN - Nguồn lực dành cho khối doanh nghiệp tư nhân còn thiếu hụt nhất là về cơ chế chính sách sẽ là rào cản lớn để trở thành động lực của nền kinh tế.