Doanh nghiệp Indonesia muốn mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam

VOV.VN - Sau một thời gian dài thế giới và hai quốc gia phải đối mặt với dịch COVID-19, chuyến thăm cấp nhà nước từ ngày 21-23/12 tới Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là cơ hội tốt để lãnh đạo hai nước thảo luận và tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương.

Việt Nam đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên toàn thế giới và nhiều công ty Indonesia đang mong muốn mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam. Đây là chia sẻ của ông Budiarsa Sastrawinata, Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia-Việt Nam (IVFA) đồng thời là Giám đốc điều hành Tập đoàn Ciputra với phóng viên Đài TNVN thường trú tại Indonesia trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước từ ngày 21-23/12 tới Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chuyến thăm mở ra cơ hội hợp tác lớn

Đánh giá về mối quan hệ song phương, ông Budiarsa Sastrawinata cho biết kể từ khi Indonesia và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/12/1955, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã được xây dựng trên nền tảng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno thiết lập và được các thế hệ lãnh đạo cũng như nhân dân hai nước dày công vun đắp. Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm tương đồng như việc cả hai quốc gia đều là thành viên của ASEAN, APEC và nhiều tổ chức diễn đàn quốc tế và khu vực khác. Indonesia và Việt Nam cũng là những đối tác quan trọng với nhiều tiềm năng, trong đó vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng tăng.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia-Việt Nam (IVFA) cho biết có nhiều doanh nghiệp Indonesia đã đến Việt Nam để khai thác các cơ hội đầu tư. Hiện nay, Indonesia vẫn là một trong những nước ASEAN đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong các lĩnh vực như thăm dò và khai thác dầu khí, than đá, ngân hàng, khách sạn, chế biến và xuất khẩu gỗ, may mặc…

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 40, 41 tại thủ đô Phnom Penh vào tháng 11 vừa qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh, Indonesia cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương mang lại lợi cho người dân cả hai nước. Khi nói đến kinh tế, Giám đốc điều hành Tập đoàn Ciputra cho rằng sự hợp tác nội khối ASEAN là vô cùng quan trọng và các nước ASEAN cần tăng cường các đối tác thương mại, bao gồm các thành viên trong ASEAN. Đó là lý do tại sao chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Indonesia rất quan trọng để tiếp tục các cuộc thảo luận giúp hai quốc gia trở thành những nền kinh tế mạnh nhất trong khu vực.

Doanh nghiệp Indonesia “háo hức” tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam

Giám đốc điều hành Tập đoàn Ciputra cũng cho rằng Việt Nam và Indonesia có các Thỏa thuận và Hiệp ước hợp tác trong nhiều lĩnh vực, tạo nền tảng thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư trong thời gian gần đây. Điều này thể hiện mức độ cao của quan hệ song phương dựa trên đối tác chiến lược Indonesia-Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á, với trao đổi thương mại song phương ngày càng gia tăng, sự tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực… Thậm chí trong đại dịch COVID-19, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Indonesia vẫn được duy trì và phát triển mạnh mẽ  vì lợi ích của người dân hai nước cùng như duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực Đông Nam Á.

Ông Budiarsa Sastrawinata cho rằng doanh nghiệp Indonesia nên tận dụng các cơ hội mới tại Việt Nam. Trong vòng 10 đến 20 năm tới, việc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư song phương sẽ giúp mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Cả Việt Nam và Indonesia đều nhất trí các kế hoạch mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai quốc gia tiến hành các hoạt động thương mại và đầu tư đặc biệt trong các lĩnh vực nghề cá, xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng mới, công nghệ cao và chuyển đổi số… Hai bên cũng đang cân nhắc mở các đường bay mới để thúc đẩy du lịch, thương mại và đầu tư. Hiện có khoảng 40 công ty Indonesia tại Việt Nam, hầu hết tại khu vực phía Nam. Các công ty này sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho thị trường Việt Nam, cũng như xuất khẩu.

Giám đốc điều hành Tập đoàn Ciputra cho rằng là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực nhờ sản xuất hướng tới xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhu cầu nội địa ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Bất chấp những gián đoạn trong vài năm qua, nhiều công ty Indonesia đang mong muốn mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, chủ yếu thông qua mua bán và sáp nhập.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia-Việt Nam cho rằng Việt Nam và Indonesia có một số điều kiện có thể giúp tăng cường quan hệ bao gồm dân số lớn, kinh tế phát triển, sức mua tăng và vị trí địa lý gần gũi trong ASEAN.  Chính phủ Việt Nam có chính sách đầu tư cởi mở cho doanh nghiệp và bất cứ quốc gia nào có chính sách chào đón các nhà đầu tư cũng là một thuận lợi. Ngoài ra, nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa giữa Việt Nam và Indonesia cũng là thuận lợi để các nhà đầu tư hay doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội.

Tuy vậy, ông Budiarsa Sastrawinata cho rằng còn một số vấn đề vướng mắc cần giải quyết đối với các nhà đầu tư. Trước hết là những rào cản về quy định, luật của nước sở tại… vốn đã được cải thiện nhiều trong thời gian gần đây. Song, vẫn còn một số quy định mới hay thay đổi khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn. Ông Budiarsa Sastrawinata cho biết các doanh nghiệp Indonesia đang thích nghi bằng cách tham vấn và điều chỉnh để thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên