Doanh nghiệp không xuất khẩu giảm “hứng thú” với TPP
VOV.VN -Theo khảo sát mới nhất của VCCI, doanh nghiệp Việt không tham gia xuất khẩu đang biểu hiện ngày càng giảm hứng thú với một số nội dung Hiệp định TPP.
Doanh nghiệp “hưởng lợi” từ TPP thì thích TPP hơn
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho thấy, với nhóm được dự báo sẽ “hưởng lợi” từ TPP thì được cung cấp thông tin nhiều hơn một chút so với nhóm “bị ảnh hưởng” trong lĩnh vực sản xuất và một số lĩnh vực khác. Sự khác biệt này lại càng lớn đối với lĩnh vực xuất khẩu.
DN Việt khá lạc quan với TPP (Ảnh minh họa: KT) |
“Điều này rất quan trọng, bởi dường như ảnh hưởng về sự phân bố tiêu cực có thể gây sốc đối với các ngành có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực khi gia nhập TPP, sau này có thể bớt ủng hộ tham gia đàm phán TPP và các chính sách kinh tế khác”- ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI đánh giá.
Theo phân tích của ông Tuấn, mặc dù năng lực nắm bắt thông tin của các doanh nghiệp là khác nhau giữa các loại hình hay ngành nghề, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, kết quả điều tra của VCCI cho thấy, nhóm biết thông tin cơ bản về TPP bày tỏ sự ủng hộ rộng rãi đối với việc Việt Nam đàm phán gia nhập TPP, với năm 2014 có 62% doanh nghiệp ủng hộ, và đến 2015 có tới 72%.
Trong năm 2015, doanh nghiệp trong nước ủng hộ Việt Nam tham gia đàm phán TPP mạnh mẽ hơn so với doanh nghiệp FDI. Cộng đồng các nhà đầu tư trong nước đã gia tăng sự ủng hộ từ 66% của năm ngoái lên 73%. Dù vậy, mức gia tăng ủng hộ
này thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI, khi tỉ lệ ủng hộ từ doanh nghiệp FDI các nước thành viên tăng 24% điểm (từ 43% năm 2014 lên 67% năm 2015), hoặc từ doanh nghiệp FDI từ các nước không tham gia đàm phán tăng thêm 29% điểm (từ 36% lên 65%).
Một điểm đặc biệt cần lưu ý, theo ông Tuấn, các doanh nghiệp trong nước nằm trong nhóm “hưởng lợi” từ TPP có xu hướng mong muốn Việt Nam gia nhập TPP hơn là các doanh nghiệp thuộc các ngành cần lao động có trình độ, kỹ năng cao, hiện đang được xếp vào nhóm bất lợi hơn khi gia nhập TPP. Dù vậy, nhìn chung, doanh nghiệp vẫn tương đối lạc quan, với 86% doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thuộc các ngành cần lao động giản đơn bày tỏ sự ủng hộ, so với con số 79% doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thuộc nhóm đối ngược.
Trong số các doanh nghiệp trong nước hiện đang phải đối mặt với cạnh tranh nhập khẩu và với các doanh nghiệp FDI, 73% mong muốn đạt được thỏa thuận thuộc các ngành công nghiệp có thể hưởng lợi từ TPP, trong khi 71% thuộc các ngành công nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất từ TPP.
Từ kết quả khảo sát, ông Tuấn kết luận: Hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều có những cảm nhận lạc quan về tác động của TPP. Khi nghiên cứu cảm nhận của các doanh nghiệp xuất khẩu và không xuất khẩu, ít nhất 46%, trong một số trường hợp là trên 60% doanh nghiệp trả lời khảo sát biết tới đàm phán TPP và cho rằng TPP sẽ có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ.
Khác biệt lớn nhất ở các “vấn đề sau biên giới”
Khảo sát về nội dung mở cửa thị trường, đầu tư, lao động và DNNN trong TPP cho thấy, mức độ lạc quan lại giảm xuống theo từng nội dung. Cảm nhận về nội dung mở cửa thị trường ít biến đổi nhất. Sự ủng hộ của doanh nghiệp định hướng kinh doanh nội địa đối với các điều khoản về mở cửa thị trường giảm 6% và của doanh nghiệp xuất khẩu giảm 5%.
Trong khi đó, mức độ ủng hộ các điều khoản về đầu tư giảm mạnh nhất. Tỷ lệ doanh nghiệp không tham gia xuất khẩu ủng hộ các điều khoản về đầu tư đã giảm thêm 11%, ở các doanh nghiệp xuất khẩu, mức giảm là 13%.
Theo VCCI, sự khác biệt lớn nhất được ghi nhận ở các “vấn đề sau biên giới”. Năm 2015, sự ủng hộ của các doanh nghiệp định hướng nội địa đối với các điều khoản về lao động và doanh nghiệp nhà nước giảm lần lượt là 9% và 11% so với năm 2014. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn giữ mức độ lạc quan đối với hai lĩnh vực trên, thể hiện ở mức giảm không đáng kể, lần lượt là 2% và 7%.
Mức độ ủng hộ của các doanh nghiệp trong nước đối với các điều khoản về DNNN
giảm là do họ nhận thấy nhiều yêu cầu cải cách chặt chẽ nhất lại không áp dụng cho các DNNN Việt Nam, bởi số lượng doanh nghiệp phù hợp quy mô để tuân thủ quy định TPP chỉ chiếm trên đầu ngón tay. Các doanh nghiệp xuất khẩu ít bị tác động bởi các điều khoản này là do họ không phải cạnh tranh trực tiếp với các DNNN Việt Nam.
Riêng đối với những điều khoản về lao động, ông Tuấn lý giải: mức độ ủng hộ ở các doanh nghiệp xuất khẩu có thể là do những doanh nghiệp này hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, do đó họ sẵn sàng chấp nhận trả thêm mức phí áp lên giá thuê mặt bằng nhà xưởng. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp họ xuất khẩu sang các quốc gia phát triển - là thị trường mà việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động khắt khe lại thực sự sẽ giúp họ tăng được doanh thu bán hàng và thu hút thêm khách hàng tiềm năng.
Ông Tuấn lưu ý, “các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhóm được hưởng lợi thường có xu hướng ủng hộ nhiều hơn. Trong khi các doanh nghiệp ít được hưởng lợi hoặc phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn thì có xu hướng ít ủng hộ hơn”.
Tăng hiểu biết để ứng phó
Đến thời điểm này, nhiều dự đoán cho thấy, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP chính thức có hiệu lực, nhưng Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về tác động phân phối theo ngành từ hiệp định này.
Trong đó, điều các nhà hoạch định chính sách cần đặc biệt quan tâm là, những doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực từ TPP thường là những doanh nghiệp có sự hiểu biết rất ít về hiệp định. Do đó, nói như ông Đậu Anh Tuấn, “các doanh nghiệp này thường không có những bước chuẩn bị cần thiết để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng lớn hơn cũng như quá trình chuyển giao lao động sang các ngành nghề mới. Những cú sốc của doanh nghiệp trước hoạt động kinh doanh yếu kém của mình có thể để lại những hậu quả lớn khiến cho sự ủng hộ của công chúng đối với hiệp định cũng như đối với các chính sách cải cách kinh tế trong tương lai giảm xuống”./.