Doanh nghiệp kiến nghị: Một lần thanh tra thuế không nên quá 30 ngày
VOV.VN-Góp ý Luật Quản lý thuế (sửa đổi), doanh nghiệp cho rằng kéo dài thời gian 1 lần thanh tra thuế làm cho tinh thần khẩn trương của cán bộ thuế kém đi.
Hôm nay (5/12), tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội Tư vấn thuế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Đề cương xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Đề cương xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi). |
Theo Tổng Cục Thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế sẽ được sửa đổi về các quy định quản lý các loại thuế (khai, thu, nộp, hoàn, miễn, giảm thuế; giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; thanh tra, kiểm tra…), mối quan hệ giữa thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước (bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí). Văn bản này sẽ có tác động toàn diện và ảnh hưởng lớn tới các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thuế của các doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề sản xuất đầu tư kinh doanh.
Về phương án cơ quan thuế sẽ thực hiện đồng thời thu thuế và thu tiền Bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ sử dụng lao động đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.
Bà Hà Thị Trường Vy, Trưởng ban Quản lý hành nghề kế toán, Tổng Thư ký Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam chưa đồng tình và cho rằng, các khoản bảo hiểm bắt buộc đang được cơ quan bảo hiểm theo dõi và thông báo đối chiếu với doanh nghiệp hàng tháng. Ngoài việc thu nộp, cơ quan bảo hiểm còn phải thanh toán cho doanh nghiệp các khoản trợ cấp ốm đau, thai sản,... Vì vậy, việc theo dõi đúng hoặc không đúng số phải nộp, đã nộp bảo hiểm của doanh nghiệp còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Hai việc này có tính chất hoàn toàn khác nhau.
Quan điểm của bà Hà Thị Trường Vy là "nên tách hai đơn vị này ra vẫn thu riêng. Cơ quan bảo hiểm xã hội phải thực hiện đúng chức năng quản lý, thanh kiểm tra để đảm bảo nguồn thu, còn cơ quan thuế thực hiện tốt nhiệm vụ thu thuế. Ban soạn thảo có ý là muốn tiết kiệm chi phí cho xã hội, nhưng nếu đánh giá trên hiện tại thì hiện nay phần nợ thuế cũng rất lớn và vấn đề xác định đúng nghĩa vụ thuế và nợ thuế cho từng đối tượng cũng chưa tốt. Vì vậy, nếu kiêm cả hai thì liệu có đảm bảo hay không?"
Đại diện các doanh nghiệp đề xuất xem lại quy định về hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý và xem xét, sửa đổi quy định về thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế như: Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế năm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ là 90 ngày kể từ sau thời hạn nộp Báo cáo tài chính của doanh nghiệp; Thời hạn nộp thông tin, hồ sơ giao dịch liên kết sẽ là 180 ngày (hoặc 1 năm) kể từ sau thời hạn nộp Báo cáo tài chính doanh nghiệp.
Bà Phạm Thu Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam kiến nghị, thời hạn một lần thanh tra thuế không nên quá 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra thuế gia hạn thời hạn thanh tra thuế, cũng không vượt quá 30 ngày. Bởi trong thời gian 30 ngày, doanh nghiệp đã mất nhiều thời gian, nhân lực để hỗ trợ thực hiện thanh tra, kiểm tra.
Theo bà Phạm Thu Trang, "nếu kéo dài thời hạn thanh tra thuế thì chưa phù hợp vì 30 ngày không phải ít. Trên thực tế một đoàn thuế đi kiểm tra, đến doanh nghiệp 30 ngày thì họ cũng không ngồi hết ở doanh nghiệp 30 ngày đầy đủ. Ngoài ra, một đoàn cũng có thể thực hiện nhiều cuộc thanh tra cùng một lúc, nên chưa thể tận dụng hết đối với một đoàn thuế. Bây giờ kéo dài thêm 45 ngày cũng làm cho tinh thần khẩn trương của cán bộ thuế kém đi. Thế nên vẫn nên giữ lại 30 ngày, chỉ trong tình huống đặc thù thì mới cần thêm thời gian."
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp để gửi về Ban Soạn thảo nghiên cứu, xem xét để từng bước hoàn thành Dự thảo Luật Quản lý thuế./.
Thủ tướng: Sửa quy định quản lý thuế để giảm chi phí cho doanh nghiệp
Xử phạt đến 20 triệu đồng vi phạm quản lý thuê bao di động trả trước
Cải cách quản lý thuế: 70% cán bộ gần như chưa đáp ứng được yêu cầu