Doanh nghiệp lo lắng thiếu hụt nhân lực để duy trì sản xuất kinh doanh
VOV.VN - Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực hết mình để duy trì sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, sau khi có đủ độ phủ vaccine sớm, cả nước bước vào trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Dịch bệnh COVID-19 đã khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Hàng nghìn doanh nghiệp phải duy trì hoạt động cầm chừng do giãn cách xã hội. Đặc biệt, tại các địa phương thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, dịch bệnh đã tác động rất lớn tới số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.
Để chuẩn bị cho giải đoạn bình thường mới, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2021 là không để đứt gãy chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực hết mình để duy trì sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, sau khi có đủ độ phủ vaccine sớm, cả nước bước vào trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh phát triển sản xuất. Nhưng đi kèm với hi vọng, doanh nghiệp đang lo lắng thiếu hụt nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phía Nam, không ít doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, do thiếu nguồn nguyên liệu hoặc duy trì đơn hàng với đối tác.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết: Từ tháng 6 đến nay, các doanh nghiệp nằm trong khu vực thực hiện Chỉ thị 16 không được tổ chức sản xuất, gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các đơn hàng. Với đặc thù của ngành dệt may, lực lượng lao động lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người nên việc tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” trong khuôn viên nhỏ hẹp của nhà máy chỉ bố trí được rất ít lao động làm việc. Do đó, khi tổ chức với lượng công nhân vừa đủ an toàn thì lượng sản phẩm cần có để đáp ứng đơn hàng luôn bị chậm, bị thiếu so với yêu cầu của thị trường.
Ông Lê Tiến Trường cho biết thêm, trong giai đoạn vừa rồi, 80-90% không sản xuất được, có nghĩa mất đi 80-90% năng lực sản xuất khu vực phía Nam. Còn miền Bắc và miền Trung tuy không bị giãn cách tuyệt đối như 19 tỉnh Nam Bộ nhưng cũng có những yêu cầu ngặt nghèo hơn. Về tổng thể, tháng 8 và tháng 9 vừa qua, ngành may của các doanh nghiệp, tính chia đều cả nước bao gồm cả Bắc-Trung -Nam thì đã phải giảm tới 45-50% năng lực sản xuất.
Không chỉ có ngành dệt may, thiếu nhân lực là thực tế mà nhiều doanh nghiệp ngành nghề khác gặp phải. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ đang “đứng ngồi không yên” khi các hợp đồng đặt hàng rất nhiều nhưng không đủ lao động. Theo khảo sát của Hiệp hội, chỉ có hơn 50% doanh nghiệp chế biến gỗ tại vùng trọng điểm phía Nam (gồm thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh), duy trì hoạt động, với số lượng công nhân làm việc khoảng hơn 30 nghìn người, chỉ bằng 1/4 số công nhân trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đồng nghĩa là 3/4 số lượng công nhân trong các doanh nghiệp này đã phải nghỉ việc.
Để thu hút và giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp, địa phương có những chính sách thu hút, đãi ngộ riêng cho người lao động như: Đẩy nhanh tốc độ tiêm vacxin, hỗ trợ đột xuất, tăng lương, thưởng… Để tránh đứt gãy cung – cầu lao động, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng, trong giai đoạn này, phải áp dụng nhiều giải pháp như: rà soát quy trình, rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới để phát triển lại sản xuất.
Ông Đặng Hồng Anh cho rằng, qua đợt dịch này, về mặt tâm lý, thị trường của các khách hàng tiềm năng hay nguồn nhân lực cũng khác nhiều. Chúng tôi cũng phải đánh giá, phân tích cho thật kĩ để có những phương án, kế hoạch mới trong đó có chiến lược phát triển hậu Covid. Thêm một điều nữa là chăm lo đời sống, sức khỏe của người lao động tốt hơn. Tình hình dịch bệnh như thế này, chúng ta phải xác định năm nào cũng phải tiêm ngừa Covid, cho nên phải có chế độ chính sách hàng năm cho người lao động, đảm bảo sức khỏe cho người lao động yên tâm công tác.
Tuy nhiên, một nghịch lý là nhiều doanh nghiệp khát nguồn nhân lực nhưng thực tế lại có hàng chục nghìn lao động rơi vào cảnh thất nghiệp khi trở về quê. Dù chưa có con số thống kê nhưng theo dự báo, số lao động không có việc làm tăng hơn vì nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, thời điểm này, Nhà nước cần có chính sách về thông tin thị trường lao động để kết nối lại người lao động; đào tạo hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi kết hợp những chính sách về tín dụng, cho vay.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, trong quá trình mình vẫn chưa mở cửa, các Sở Lao động nên làm phiếu khai báo về lao động và kêu gọi tất cả mọi người lao động khai báo về tình trạng việc làm, đang ở đâu và họ có nhu cầu quay trở lại đâu, trở lại làm gì?. Dựa trên hai báo về lao động đó, chúng ta khớp nối và cùng với đó, có khai báo về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Dựa vào đấy giao cho các Trung tâm dịch vụ việc làm. Cái quan trọng mà mình nắm được là huy động các giải pháp, đầu tiên là huy động Quỹ BHTN. Việc quản lý thị trường lao động bây giờ cũng quan trọng và có phải hệ thống như là việc làm khai báo y tế.
Để tháo gỡ khó khăn nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các Trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương tăng cường kết nối cung – cầu lao động. Mới đây, 11 Trung tâm Dịch vụ việc làm của các địa phương gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang và Tuyên Quang đã phối hợp tổ chức kết nối phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Theo đó, phiên giao dịch việc làm đã thu hút được 950 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lên đến hơn 29 nghìn lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông tập trung trong các ngành nghề điện tử, may mặc, sản xuất nhựa…
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong tháng 8, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Trung tâm cũng đã kết nối thông tin tuyển dụng việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động thông qua hình thức gián tiếp (điện thoại, email, Zalo...). Kết quả đã có gần 500 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 7.400 chỉ tiêu. Bên cạnh việc giảm hoặc không có nhu cầu tuyển dụng ở một số ngành nghề thuộc lĩnh vực không thiết yếu, thì một số lĩnh vực khác như: công nghệ thông tin, ngân hàng, may mặc, sản xuất dây chuyền…nhu cầu tuyển dụng vẫn có xu hướng tăng, nhân sự trong các lĩnh vực này vẫn có nhiều cơ hội việc làm.
Để giải quyết nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp khi quay trở lại sản xuất trong điều kiện bình thường mới cũng như nhu cầu việc làm của người lao động, công tác dự báo thị trường lao động là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, đảm bảo thực hiện tốt chính sách hiểm thất nghiệp để quản trị tốt thị trường lao động, giúp người thất nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống./.