Doanh nghiệp Nga hưởng lợi sau lệnh trừng phạt của Mỹ

VOV.VN - Trong đó, các công ty công nghệ - tài chính Nga là thành phần được hưởng lợi lớn nhất sau lệnh trừng phạt.

Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga sau khi Nga có hành động can thiệp vào Ukraine. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nước này lại được hưởng lợi do người dân Nga đang có xu hướng chuyển sang tiêu dùng hàng trong nước.

Tỷ phú công nghệ Nga, Vladimir Evtushenkov, sở hữu một công ty sản xuất thẻ ngân hàng có gắn bộ vi xử lý, là một trong những trường hợp nêu trên. Sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên một số ngân hàng Nga, buộc các ngân hàng phải ngừng giao dịch thông qua một số công ty thẻ tín dụng của Mỹ, nhu cầu sử dụng sản phẩm thẻ của công ty này đã tăng vọt.

Phần lớn các tổ chức tín dụng Nga khi phát hành thẻ đều hỗ trợ Visa hoặc MasterCard – hai công ty tín dụng của Mỹ. Thậm chí cả các thanh toán trong cửa hàng trong nước, trả tiền bằng thẻ hay rút tiền từ các cây ATM, hầu hết các giao dịch đều được xử lý thông qua hệ thống thanh toán nước ngoài.

Tuy nhiên, sau khi căng thẳng tại Ukraine leo thang, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh trừng phạt 3 ngân  hàng của Nga có liên quan đến Tổng thống Nga Putin là Rossiya, SMP và InvestKapital. Theo đó, các công ty Mỹ bị cấm không được hoạt động giao dịch với các ngân hàng này. Visa và MasterCard cũng phải dừng cung cấp các dịch vụ giao dịch trong các ngân hàng này, khiến cho thẻ của hai công ty này bị hạn chế sử dụng.

Đến nay, đã có 19 công ty và 45 cá nhân thân cận với Tổng thống Putin bị liệt vào danh sách chịu sự trừng phạt của Mỹ, mặc dù với nhiều người trong số họ, các lệnh cấm này không có mấy ý nghĩa. Họ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ và không được phép sở hữu tài sản tại đây. Trong khi các ngành công nghiệp tại Nga vẫn chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, căng thẳng chính trị cũng thôi thúc Nga phát triển hệ thống công nghệ riêng.

Trong tháng này, Tổng thống Putin đã ký một điều luật yêu cầu các công ty Internet quốc tế như Google hay Facebook phải lưu trữ dữ liệu của người dùng Nga trong máy chủ đặt tại Nga. Động thái này có thể sẽ giúp các công ty cung cấp dịch vụ Internet của Nga đạt được một số lợi ích.

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ cũng tạo điều kiện cho hệ thống định vị toàn cầu Glonass, đối thủ của GPS tại Nga có cơ hội mở rộng thị phần trong nước. Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã đe dọa đóng cửa 11 trạm GPS tại nước này kể từ ngày 1/6 tới đây. Các trạm vệ tinh này sẽ bị dừng hoạt động vĩnh viễn nếu Mỹ không cho phép Nga đặt các trạm tương tự của Glonass trên lãnh thổ Mỹ. Hệ thống này có thể giúp hỗ trợ và phát triển ngành công nghiệp vũ trụ của Nga, trong đó có các hãng sản xuất vệ tinh như Information Satellite Systems hay Gazprom Space Systems.

Tuy nhiên, các công ty công nghệ - tài chính Nga mới là thành phần được hưởng lợi lớn nhất. Ông Putin đang thúc giục các nhà làm luật nước này chấp thuận dự luật cho phép thành lập hệ thống thanh toán riêng, để thay thế MasterCard và Visa. Tất cả 20 triệu công chức nhà nước sẽ nhận lương bằng loại thẻ hỗ trợ hệ thống này. Ngân hàng cũng có thể phát hành các thẻ này cho lao động tư nhân.

Đây là tin tốt cho tỷ phú Evtushenkov. Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Nga, nhu cầu thẻ thanh toán do Nga sản xuất sẽ tăng ít nhất 10% từ mức 217 triệu thẻ phát hành hiện nay. Nhà máy của Evtushenkov tại Moscow được cho là sẽ nhận được đơn hàng khổng lồ trên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên