Doanh nghiệp – ngân hàng: Bao giờ thôi chơi trò ú tim?
(VOV) -Giờ đây, ngân hàng đỏ mắt dẫn thủ tục lập hồ sơ vay vốn, thì đa số khách hàng lại dửng dưng, đủng đỉnh.
Giờ đây, ngân hàng đỏ mắt dẫn thủ tục lập hồ sơ vay vốn, thì đa số khách hàng lại dửng dưng, đủng đỉnh. Vì sao?
Ngân hàng “chết đói” trên đồng tiền
Đói! Đó là câu nói cửa miệng của không ít cán bộ ngân hàng thương mại khi được hỏi về mức lương thưởng hiện nay, trong bối cảnh 2 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm; và tháng 3 “mới chỉ nhích khỏi mặt đất” khi tăng 0,1%, bất chấp bao nhiêu nỗ lực của ngành ngân hang nhằm hạ lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng đủ điều kiện được vay vốn.
Ngân hàng bị “tồn kho” tiền với khối lượng lớn (Ảnh: ketoankiemtoan.edu.vn) |
Nhưng nghịch cảnh ở chỗ, trong khi cho vay ra không được, tín dụng tăng trưởng nhỏ giọt như vậy, thì đầu vào – tức nguồn vốn huy động – vẫn tăng đều đều, với tốc độ tăng trưởng từ 22 – 36%. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng bị “tồn kho” tiền với khối lượng lớn, có ngân hàng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Mà ngân hàng lại không thể từ chối nhận tiền gửi. Và cũng không thể hạ lãi suất huy động xuống quá xa so với trần huy động mà Ngân hàng Nhà nước quy định, bởi hạ sâu lãi suất huy động thì dễ mất khách hàng lớn. Vì thế, tồn kho tiền, ngồi trên đống tiền và vẫn phải trả lãi cho khối lượng tiền “tồn kho” này, trong khi lại phải trích lập những khoản dự phòng rủi ro lớn cho đống nợ xấu đang tồn đọng; cho vay ra không được thì làm gì mà không “đói”?
Nghịch cảnh nay đã đổi chiều!
Nếu như cách đây 3 – 4 năm, doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy thiếu vốn, chóng mặt với việc chạy vốn, bằng đủ mọi chiêu bài o bế ngân hàng để được vay vốn, chấp nhận bất cứ mức lãi suất nào; thì nay nghịch cảnh đã đổi chiều. Giờ đây, ngân hàng đỏ mắt chờ từng khách hàng đến trình phương án kinh doanh khả thi, để hết lòng hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ vay vốn, thì đa số khách hàng lại dửng dưng, đủng đỉnh.
Lại nữa, có những khách hàng lớn, tự biết lợi thế của mình nên tha hồ được ra điều kiện, khiến ông chủ nợ của mình phải đi hết từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Ví như Công ty B. S, chuyên về lọc hóa dầu, không những được vay những khoản vốn lớn, mà còn được đàm phán lãi suất, chỉ phải trả 6 – 8%/năm, trong khi nhiều doanh nghiệp khác vẫn phải trả từ 12 – 15%/năm. Không ít doanh nghiệp, dù đang rất muốn mở rộng sản xuất kinhd oanh nhưng vẫn “từ từ cái đã”, để chờ xem lãi suất có hạ nữa hay không. Thế là, nghịch cảnh lại tiếp diễn: lúc doanh nghiệp cần thì ngân hàng “trốn”, nay đến lượt ngân hàng cần thì doanh nghiệp “chạy”…
Bà Nguyễn Thị Kim Nữ, Tổng Giám đốc Công ty Thiên Kim, Đà Nẵng – chuyên sản xuất và kinh doanh thép – đã khóc ròng khi nói lên nguyện vọng của doanh nghiệp: “Lúc đang hoàng kim, chúng tôi làm ăn tốt thì định mức tín dụng của công ty lên tới 15 – 17 tỷ đồng, tín chấp một nửa. Nay là lúc gặp khó khăn, ngân hàng lại hạ bậc tín nhiệm, giảm định mức tín dụng, rồi không cho vay nữa… Doanh nghiệp đã phải bán bớt tài sản để trả nợ, nhưng vẫn không được vay món mới… Thế thì lấy đâu tiền mà làm ăn để trả nợ cũ, tìm kiếm cơ hội mới?”.
Niềm tin chưa trở lại
Người ta nói: muốn hợp tác làm ăn bất cứ việc gì, trước hết phải tin nhau. Thế nhưng, câu chuyện quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp vốn đã phải chịu nhiều tổn thương trong một thời gian dài, nay lấy lại niềm tin của nhau không phải là chuyện một sớm một chiều. Doanh nghiệp từng phải chịu gánh nặng lãi suất quá cao, lại bị điều chỉnh liên tục, trong khi thị trường không ổn định, gặp thời điểm khó khăn nên mọi kế hoạch tính toán làm ăn đều đổ bể.
Còn ngân hàng, khi đang ôm một đống nợ xấu lớn bằng gần 20% GDP nên cũng có lúc hoảng loạn, co cụm, sợ hoặc ngại cho vay. Vì nếu tiếp tục làm gia tăng đống nợ xấu, ít nhất sẽ có hai điều xấu nữa xảy ra: Một là, phải tăng trích lập dự phòng rủi ro thì còn đâu vốn mà kinh doanh, thu nhập đương nhiên là sụt giảm thê thảm;
Hai là, nguy cơ bị hình sự hóa là không thể tránh khỏi, chỉ cần một câu kết luận “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, là kể cả giám đốc lẫn cán bộ tín dụng đều có thể bị phạt tù tối thiểu 5 năm! Đến nay, sau rất nhiều nỗ lực xử lý nợ xấu, dư nợ quá hạn của toàn ngành vẫn là một con số khổng lồ: 260.000 tỷ! Vì thế, xu thế hành xử được nhiều cán bộ tín dụng ngân hàng lựa chọn là “nín thở, nằm im” chờ qua cơn bĩ cực!
Còn doanh nghiệp, đã từng hoa mắt chóng mặt khi ôm một khoản nợ lớn với lãi suất cao, giờ đây dù có được hạ thì thấp nhất vẫn là 12%/năm, cao là 15%/năm; trong khi hàng tồn kho nhiều, sức mua của xã hội mỗi ngày một giảm; thời gian lại chẳng là bạn đồng hành một khi thời gian đáo hạn sắp đến gần, nên giải pháp tốt nhất cũng là thúc thủ, ngồi im, đắp đổi qua ngày, không dám vay món mới, không dám đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp quan niệm: “Không làm thì còn không nợ, chứ càng làm càng nợ, nên khỏi làm khỏe hơn nhiều!”.
Tất cả những điều này cho thấy niềm tin của cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp đều chưa trở lại, còn cần một khoảng thời gian nỗ lực nhiều hơn nữa hai bên mới hy vọng lấy lại được niềm tin xưa./.