Doanh nghiệp Nhà nước chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trong TPP
VOV.VN - Các DNNN chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới an ninh - quốc phòng.
Nội dung Hiệp định TPP tại chương quy định về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có quy định: Các doanh nghiệp Nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường; không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố; Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.
DNNN chấp nhận cạnh tranh bình đẳng
Giải thích về điều này, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, khi tham gia TPP, nhà nước sẽ vẫn hỗ trợ các DNNN. Tuy nhiên, mức hỗ trợ sẽ không tới mức gây bất bình đẳng lớn và ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại, đầu tư giữa các nước trong TPP. Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới an ninh - quốc phòng. Với các DNNN khác, Việt Nam chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.
Đồng thời, Hiệp định TPP cũng có các quy định được áp cho khối DNNN có tỷ lệ nắm giữ vốn của nhà nước chiếm tỷ lệ trên 50%. Đối với những doanh nghiệp này, chỉ khi nào có doanh thu vươt quá một ngưỡng nhất định thì mới chịu sự điều chỉnh của hiệp định, song hiện chưa công bố ngưỡng nhất định này là bao nhiêu.
Các gói thầu mua sắm công sẽ sử dụng hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà thầu từ các nước TPP. (Ảnh minh họa: KT) |
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng khẳng định: Hiệp định TPP không bắt buộc DNNN công khai giao dịch của mình. Những gì thuộc về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không ai được quyền đòi hỏi. Chỉ khi nào TPP nhận thấy doanh nghiệp có biểu hiện đang được hỗ trợ quá mức của nhà nước, gây tác động tiêu cực đến thương mại và đầu tư các bên, khi đó mới phải công khai thông tin.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Khánh, yêu cầu công khai thông tin cũng chỉ xảy ra giữa các chỉnh phủ với nhau, không đơn thuần là việc bắt buộc các DNNN phải công bố các thông tin, bởi vì hầu hết những thông tin cần công bố đã có trong báo cáo tài chính mà doanh nghiệp đã được phép công bố.
Nhà thầu trong nước không được ưu tiên
Đối với lĩnh vực mua sắm công, các nước TPP thống nhất đưa ra một bộ quy tắc khá toàn diện về đấu thầu mua sắm của các cơ quan Chính phủ. Các quy tắc này không áp dụng với các gói thầu vì mục đích an ninh - quốc phòng, các gói thầu có giá trị dưới một mức nhất định và các trường hợp khác mà ta bảo lưu trong đàm phán.
Hiệp định TPP không yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Hiệp định lại đề ra những quy định rất nghiêm ngặt trong lĩnh vực mua sắm Chính phủ bằng cách loại trừ ưu tiên nhà thầu trong nước.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, về cơ bản các gói thầu mua sắm công sẽ sử dụng hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà thầu từ các nước TPP. Hiệp định không cho phép áp dụng các điều kiện dự thầu mang tính ưu tiên với các nhà thầu, cũng như không ưu tiên cho hàng hóa và dịch vụ trong nước, trừ các trường hợp được bảo lưu. Thông tin và thủ tục tại tất cả các khâu đấu thầu phải minh bạch. Đồng thời các nước phải có quy định để đảm bảo liêm chính trong đấu thầu và xây dựng quy trình xem xét khiếu nại của nhà thầu.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, kết quả đàm phán mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực mua sắm của các cơ quan Chính phủ là cân bằng và phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn là một quy định mới mà Việt Nam sẽ phải tuân thủ vì nhiều văn bản, hướng dẫn hiện hành vẫn khuyến khích các nhà thầu và hàng hóa trong nước sản xuất./.