Doanh nghiệp Nhà nước có thể bị thanh tra thường xuyên
Ngoài việc thanh tra đột xuất, các doanh nghiệp Nhà nước sẽ bị thanh tra tối thiểu 2 năm một lần.
Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, gây thất thoát vốn, Thanh tra Chính phủ cho rằng ngoài các đợt làm việc đột xuất, cần phải có lịch thanh tra cụ thể với các đơn vị này, tối thiểu 2 năm một lần.
Thời gian qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty rơi vào tình trạng thua lỗ, phá sản đã làm thất thoát một lượng không nhỏ vốn Nhà nước. Tuy nhiên, hiện quy định về kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý còn nhiều bất cập, thiếu chế tài xử lý cụ thể dẫn tới chưa phát hiện kịp thời, cảnh báo trước rủi ro cho chủ sở hữu và cơ quan quản lý.
Do vậy, mới đây Thanh tra Chính phủ đã soạn thảo Nghị định về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu. Hiện dự thảo đã được xây dựng xong và đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan.
Theo đó, hoạt động thanh tra doanh nghiệp sẽ được tăng cường hơn. Ngoài thanh tra đột xuất khi phát hiện sai phạm, các doanh nghiệp Nhà nước sẽ bị thanh tra tối thiểu 2 năm một lần về việc chấp hành pháp luật và thực hiện các quyết định của chủ sở hữu.
Các hoạt động giám sát và kiểm tra cũng được bổ trợ thêm để cảnh báo trước các nguy cơ có thể xảy ra. Nội dung sẽ xoay quanh việc chấp hành pháp luật về quản lý vốn, chế độ tài chính, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; việc tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu về thực hiện kế hoạch kinh doanh và đầu tư, các quyết định liên quan đến lợi nhuận, quỹ, vốn, tài sản...
Định kỳ 6 tháng và hằng năm, chủ sở hữu doanh nghiệp phải gửi báo cáo kết quả giám sát tới Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan. Trong khi đó, việc kiểm tra sẽ được tiến hành thường xuyên, nếu đột xuất phải thông báo trước ít nhất một ngày.
Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ chế tài đối với người quản lý doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nếu phát hiện sai phạm. Vi phạm nhẹ sẽ bị khiển trách, cảnh cáo, còn nặng sẽ hạ bậc lương, buộc thôi việc với người quản lý hoặc cách chức với Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh nếu vi phạm dẫn đến thất thoát vốn.
Kế hoạch giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp Nhà nước được xây dựng vào quý IV hằng năm, căn cứ vào tình hình hoạt động của các doanh nghiệp./.