Doanh nghiệp nhà nước kéo lùi tăng trưởng

Theo nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá, các DNNN tăng trưởng chậm hơn tốc độ chung của nền kinh tế, vì lẽ đó, khu vực kinh tế này không phải là đầu tàu kinh tế như mong đợi của các nhà hoạch định chính sách.

Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá dẫn con số: thua lỗ của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) so với khu kinh tế khác cao hơn gấp 12 lần, lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt khoảng 13,1%, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng thương mại…

Trong những năm kinh tế khó khăn, DNNN đã  thể hiện một vai trò khá yếu: Những năm khủng hoảng tài chính Châu Á 1998-1999: GDP năm 1998 tăng 5,76% thì kinh tế nhà nước tăng 5,56%; còn năm 1999 GDP cả nước tăng 4,77% thì kinh tế nhà nước chỉ tăng 2,55%. Và những năm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 cũng có tình hình tương tự: 2008 GDP tăng 6,18% thì kinh tế nhà nước tăng 4,22% và năm 2009 GDP cả nước tăng 5,32% thì kinh tế nhà nước chỉ tăng có 3,99%. Chính vì vậy, định vị lại vai trò của DNNN và cấu trúc lại hệ thống này là yêu cầu cấp bách đối với nền kinh tế hiện nay.

Đã buông lỏng trong thời gian dài

Theo ông Trần Xuân Giá, theo quy định, quá trình chuyển các DNNN trở thành công ty TNHH 1 thành viên chủ sở hữu là nhà nước mất 4 năm, đến 1/7/2010 thì kết thúc. Nhưng thực ra trong 4 năm đó, hầu như không làm gì cả. Từ sau 1/7/2010, tất cả DNNN phải chuyển thành Công ty TNHH một thành viên và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng đây chỉ thay đổi tên gọi mà không hề thay đổi gì về quản trị, điều hành doanh nghiệp, không hoạt động theo Luật Doanh nghiệp một cách thực chất. Đó vẫn chỉ dừng lại là “bình mới rượu cũ mà thôi”.

Từ thực tế này, ông Trần Xuân Giá cảnh báo: “Những vấn đề như Vinalines đã, đang và sẽ xảy ra nếu như không có sự chuyển đổi  thực chất”. Theo đánh giá của nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá, kinh tế Nhà nước tăng trưởng chậm hơn tốc độ chung của nền kinh tế, vì lẽ đó, khu vực kinh tế này không phải là đầu tàu kinh tế như mong đợi của các nhà hoạch định chính sách.

Đồng thời, ông Trần Xuân Giá cũng bày tỏ lo ngại: “Nếu tồn tại như thế này thì kinh tế nhà nước không bao giờ làm được cái mà chúng ta mong muốn. Đó là vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, mà chủ yếu là DNNN. Chủ đạo theo tôi hiểu là phải làm gương về hiệu quả, năng suất; là công cụ trong tay Nhà nước để xử lý vấn đề kinh tế-xã hội khi có những khó khăn, khủng hoảng; là đầu mối ứng dụng khoa học công nghệ để đẩy năng suất lên. Đáng lẽ nó phải là công cụ trong tay nhà nước để xử lý các khó khăn hiện nay của nền kinh tế, thì ngược lại DNNN đang tạo thêm các khó khăn chứ không góp phần giải quyết”.

Sau một số đổ vỡ của DNNN, theo ông Trần Xuân Giá, có những sai phạm của những người đứng đầu các DN này phải bị xử lý, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận  rằng trong đó có một phần nguyên nhân từ chủ trương cho đến quyết định cụ thể của nhà nước. Ví dụ, thực hiện việc phân cấp mạnh mẽ cho các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trong quyết định đầu tư khi chưa tạo đủ điều kiện như chưa có quy hoạch phát triển tốt; chưa chuẩn bị được đủ đội ngũ cán bộ biết tuân thủ pháp luật, biết quản trị, điều hành khối tài sản lớn; khi chưa có đủ hệ thống giám sát hữu hiệu...  thì những sai phạm của doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Trong điều kiện như vậy, theo Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003, những dự án nào mà đã có quy hoạch thì người được cử làm đại diện vốn chủ sở hữu của nhà nước tại Tập đoàn kinh tế nhà nước được quyền quyết định đến 50% số vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Như Vinashin lúc đó, vốn kinh doanh khoảng 5 tỷ USD thì Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinashin có quyền quyết định 2,5 tỷ USD mà không cần hỏi ai.  “Việc làm này là vượt quá sức của nhiều người” – ông Trần Xuân Giá nói.

Theo các chuyên gia, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không nên hiểu và diễn giải thành DNNN, nhất là tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải giữ vị trí chi phối trong các ngành kinh tế và lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và độc quyền trên nhiều lĩnh vực. Cần xác định rõ phạm vi hoạt động của kinh tế nhà nước để tạo dư địa cho sự phát triển của các thành phần kinh tế khác.

“Vấn đề đặt ra ở chỗ nhà nước quay trở về làm đúng vai trò của mình, nhà nước không kinh doanh mà phục vụ công ích. Nhà nước phải làm những thứ cực kỳ quan trọng với nền kinh tế nhưng tư nhân không thể hoặc không muốn như giao thông, thủy lợi... hoặc có cái Nhà nước không muốn để cho tư nhân làm, ví dụ liên quan đến quốc phòng an ninh, … dứt khoát phải kiểm soát, lỗ cũng phải làm” – ông Trần Xuân Giá nêu quan điểm. Theo đó, từ nay, Nhà nước không nên “đẻ” ra những doanh nghiệp để cạnh tranh không lành mạnh với những doanh nghiệp khác hoặc là vì lợi nhuận.

Thành lập Bộ chuyên quản lý DNNN

Cách quản lý lỏng lẻo khiến các tập đoàn, Tổng Công ty nhảy vào ngành kinh doanh thời thượng, cạnh tranh với thị trường, cạnh tranh với tư nhân vì lợi nhuận. Quản lý DNNN hiện nay được ông Trần Xuân Giá ví như tình trạng “Cha chung không ai khóc”. Việc cần thành lập một Bộ chuyên quản lý các DNNN đã nói lâu rồi nhưng không làm. “Phân tán và tập trung mỗi cái có một cái hay riêng của nó. Thành lập hay giải thể một bộ nào đó là việc làm thường xuyên, lúc cần thì thành lập còn không thì xóa đi. Còn bây giờ việc thành lập bộ quản lý DNNN đang cần” – ông Trần Xuân Giá nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm này, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đã có lần trao đổi với VOV online rằng: “Cải cách hành chính, tinh giảm bộ máy nên chúng ta bớt đi một số bộ, ngành, nhưng không có nghĩa là chúng ta không mạnh dạn có thể tổ chức một cơ quan ngang bộ để quản lý các tập đoàn, các tổ chức kinh tế Nhà nước”.

Quả thực, quá nhiều ngành, đơn vị, đầu mối và trách nhiệm không rõ ràng trong vấn đề quản lý Nhà nước nên mới xảy ra tình trạng các DNNN như hiện nay.

Song song với việc đổi mới tập đoàn, theo ông Trần Du Lịch, phải có luật đầu tư và quản lý đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước. “Chúng ta không có cơ sở pháp lý rõ ràng, từ ngày 1/7/2010, khi Luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực, chúng ta có một chỗ trống về pháp lý rất lớn”.

Một giải pháp nữa được nhấn mạnh để tăng hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước tại DN là tăng cường giám sát, minh bạch. Theo đó, tất cả các DNNN, chỉ trừ một số DN bí mật không thể công khai, cho dù niêm yết hay chưa niêm yết đều phải công khai toàn bộ hoạt động của mình, nhất là những cân đối tài chính; theo đúng qui định của công ty niêm yết phải được kiểm toán độc lập và công khai minh bạch. “Chưa có qui chế thì phải làm qui chế, vì đó là nguyên tắc của quản trị để những thực thể này hoạt động bình thường”, theo ông Trần Xuân Giá.

Không sử dụng DNNN điều tiết kinh tế vĩ mô

Việc sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô là không có cơ sở xét cả trên lý luận và thực tiễn. Về mặt lý thuyết, công cụ điều tiết vĩ mô và bình ổn kinh tế trong kinh tế thị trường là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách cơ cấu. DNNN là một tác nhân thị trường như các doanh nghiệp khác, chịu tác động chứ không phải là một bộ phận của các chính sách điều tiết vĩ mô.

Không những thế, cái giá phải trả cho việc sử dụng DNNN làm công cụ bình ổn giá là rất lớn. Thứ nhất, DNNN chiếm vị trí độc quyền hoặc gần như độc quyền ở nhiều lĩnh vực, không chịu áp lực cạnh tranh và do vậy kém hiệu quả. Và đó là một trong các nguyên nhân của bất ổn vĩ mô chứ không phải là công cụ để ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai, sử dụng DNNN làm công cụ ổn định giá làm cho giá thị trường của các sản phẩm có liên quan bị bóp méo, khiến việc phân bổ  và sử dụng nguồn lực trở nên  bất hợp lý và kém hiệu quả.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, giá cả sau một thời gian bị “dồn nén” dẫn đến thua lỗ hoặc trợ cấp, bao cấp chéo lớn đến mức không thể tiếp tục “nén” được nữa, thì  phải bung ra. Điều đó tạo ra cú sốc lớn trong nền kinh tế, làm cho kinh tế vĩ mô vốn đã bất ổn, dễ bị tổn thương trở nên bất ổn và dễ bị tổn thương hơn. 

Cần kiên định với nguyên tắc “nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không muốn làm hoặc không thể làm khi đã được tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ từ phía Nhà nước”.

Nguồn: Kiến nghị Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2012

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên