Doanh nghiệp Nhà nước phải theo kỷ luật thị trường
Cốt lõi của vấn đề này là xóa bỏ trên thực tế những ưu đãi, lợi thế do chính sách, thể chế mang lại đối với tập đoàn, TCT nhà nước.
- Cần 3 đột phá trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế
- Chưa cần điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2012
Trao đổi với VOV online về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế vừa được Chính phủ trình Quốc hội hôm 21/5, ông Nguyễn Đình Cung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Đề án ưu tiên khá rõ định hướng trước mắt, ưu tiên tương đối dài hơi và phân định khá rõ vai trò của doanh nghiệp trong tái cơ cấu”.
PV: Thưa ông, trong đề án có nhắc đến việc đưa kỷ luật thị trường vào các DNNN. Vậy, cách thức nào có thể được áp dụng điều này trong thực tế?
TS Nguyễn Đình Cung: Điều này cần rất nhiều giải pháp nhưng cốt lõi của nó là xóa bỏ trên thực tế những ưu đãi, lợi thế do chính sách thể chế mang lại đối với những tập đoàn, TCT nhà nước. Xóa bỏ được những ưu đãi trên thực tế để buộc họ phải cạnh tranh, hoạt động kinh doanh như những doanh nghiệp khác chứ không phải sử dụng lợi thế này để tạo ra lợi ích. Họ phải đầu tư, kinh doanh, cạnh tranh để tạo ra lợi nhuận chứ không phải là tìm kiếm mối quan hệ, tận dụng lợi thế và tạo ra địa tô.
Áp dụng nguyên tắc thị trường là lời ăn, lỗ chịu. Nếu kinh doanh bị thua lỗ mà Nhà nước cứ bỏ tiền ra ở đâu đó để cứu giúp hay là thực hiện phá sản doanh nghiệp như là các doanh nghiệp khác tức là đã phá vỡ kỷ luật này.
PV: Liệu khi áp dụng kỷ luật này có lo ngại sẽ có một loạt doanh nghiệp nhà nước phá sản, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: Phải chấp nhận vì đó là một nguyên tắc. Nhưng chưa chắc các DN đó đã phá sản nếu mình áp dụng nguyên tắc này. Bởi thực tế, trước yêu cầu khắt khe của thị trường tự nhiên các doanh nghiệp này phải cố gắng để cạnh tranh. Những doanh nghiệp hiện nay có thể phá sản sẽ vươn lên vì bản thân họ đang có nhiều tiềm năng để tận dụng.
PV: Từ thực tế quản lý ngành dọc của các tập đoàn, TCT Nhà nước có thể hiểu đây là câu chuyện bố mẹ trừng phạt con cái, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: Mình phải tư duy đây là quản trị quốc gia thì mới giải quyết được vấn đề. Nếu vẫn tư duy theo cách “gia đình trị” thì không phát triển được. Ở đây là quản trị kinh doanh vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng trong cơ chế thị trường - TS Nguyễn Đình Cung |
PV: Nếu một doanh nghiệp tư nhân phá sản thì có thể giám đốc phải nhặt rác, nhặt rau. Nhưng với DNNN thì dù làm ăn thế nào thì giám đốc vẫn ung dung, ông có thấy đây là một thực tế?
TS Nguyễn Đình Cung: Tại sao phải bắt họ nhặt rác, nhặt rau? Khi đã kinh doanh thì 5 ăn, 5 thua. Đừng tư duy theo kiểu bắt ép người ta. Nếu như người ta làm việc với vị trí đó mà đã làm đúng phận sự nhưng bị thua thì mọi người phải chịu chứ đừng bắt người đó phải chịu. Chính vì mình chưa áp dụng đầy đủ nguyên tắc của thị trường nên nhiều người suy nghĩ việc gì phải cố gắng như vậy? Phải áp dụng đầy đủ nguyên tắc của thị trường và có tiêu chí của thị trường để đánh giá kết quả hoạt động của họ. Nhìn vào đó để thấy rằng họ đã làm tối đa trong phận sự chưa để bảo vệ lợi ích chung. Nếu thất bại do khách quan thì tất cả phải chịu. Người đứng đầu đó đừng bắt họ phải làm gì cả mà chuyển họ sang một cơ hội khác tốt hơn để thể hiện. Nếu chúng ta soi xét một cách tiêu cực như vậy thì không ai dám làm gì, tốt nhất là không làm. Chính chúng ta phải thay đổi quan niệm đánh giá về một con người trong cơ chế thị trường.
PV: Trở lại với đề án tái cơ cấu nền kinh tế, theo ông, đề án này có gì đột phá đối với các DNNN hay không?
TS Nguyễn Đình Cung: Đề án này không đi tìm thêm một “đột phá” nào mới. Nếu nói đột phá là một giải pháp để thực hiện tương đối mạnh, có tác động lớn và có tính hệ thống.
DNNN cần đột phá nào? Ngẫm xem, DNNN có nhiều việc phải làm, nhưng theo tôi nếu chọn đột phá (vấn đề phải khả thi) thì phải công khai hóa, minh bạch hóa thông tin đối với các tập đoàn, TCT Nhà nước theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.
PV: Để thực hiện nhiệm vụ ưu tiên trong đề án, theo ông giải pháp thực hiện ngay trong năm 2012 là gì?
TS Nguyễn Đình Cung: Ngay trong năm nay, chúng ta đã thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống tài chính, đầu tư công, trong đó đã giải quyết từng cấp độ sự dàn trải trong đầu tư của DNNN. Song song với đó là những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô đang được tiến hành.
Trọng tâm nữa là tái cơ cấu DNNN trong đó tập trung vào tập đoàn, TCT Nhà nước. Khâu đột phá như tôi đã nói ở trên là công bố và minh bạch hóa thông tin. Phân loại DNNN và minh bạch hóa thông tin là việc có thể làm ngay được trong năm 2012. Đến 2013, nếu có thể, cần tập trung sửa đổi và nâng cao chất lượng của tất cả hoặc phần lớn các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh (Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Bất động sản… và bổ sung một số luật về đầu tư công, quản lý vốn tại các doanh nghiệp). Sửa đổi, nâng cấp những luật này cho “thị trường hơn” và tháo bỏ những rào cản cho phù hợp thông lệ, nguyên tắc hội nhập kinh tế quốc tế. Muốn huy động được đầu tư, đầu tư dài hạn vào phát triển khoa học công nghệ thì việc cải thiện môi trường kinh doanh là gốc, nền tảng.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Thực hiện công khai và minh bạch hoá thông tin đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tập đoàn, tổng công ty phải công bố công khai các thông tin sau đây: * Sứ mệnh và các mục tiêu cụ thể hàng năm; * Báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán của tập đoàn, tổng công ty và báo cáo tài chính hàng năm có kiểm toán của các công ty con; * Các quyết định của cơ quan chủ sở hữu; các nghị quyết, quyết định của hội đồng quản trị hay HĐTV và biên bản các cuộc họp tương ứng; * Danh mục các dự án đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hiện hành; * Các giao dịch có quy mô lớn, khoản vay hay cho vay lớn và các giao dịch bất thường khác; * Thông tin về thị trường, dự báo về thị trường sản phẩm có liên quan, về những rủi ro thị trường có liên quan; * Thông tin về các bên có liên quan, và về các giao dịch với bên có liên quan; * Thông tin về nhân thân, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, các vị trí quản lý đã nắm giữ, cách thức được bổ nhiệm, công việc quản lý được giao, cách thức trả lương và các lợi ích khác của những cán bộ chủ chốt; thông tin về những người có liên quan và ích lợi có liên quan của họ với công ty, bản tự kiểm điểm, đánh giá hàng năm của họ trên cương vị là người quản lý doanh nghiệp,… Nguồn: Đề án tái cơ cấu nền kinh tế |