Doanh nghiệp ở Long An đắn đo, cân nhắc khi cho F0 làm việc
VOV.VN - Sau khi được UBND tỉnh Long An đồng ý cho phép doanh nghiệp chủ động đánh giá tình hình và bố trí lao động là F0, F1 được tham gia làm việc, nhiều doanh nghiệp đang đắn đo, cân nhắc về việc này.
Đắn đo vì tâm lý chung của người lao động
Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An vẫn đang cân nhắc việc cho F1 và F0 tham gia làm việc hay không. Công ty TNHH JIA HSIN, Khu công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước với hơn 5.000 công nhân, việc rà soát định kỳ về COVID-19 vẫn tiếp tục thực hiện chặt chẽ, để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất. Hiện công ty có số ca mắc COVID-19 ít nên chưa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Dự kiến tình hình ca mắc nhiều hơn thì việc cho F0, F1 tự nguyện đi làm việc cũng cần thiết nhưng công ty đắn đo về tâm lý chung của người lao động.
“Dù thời điểm này, doanh nghiệp không có F0 nhiều. Tuy nhiên, cũng đắn đo vì cho F0 đi làm, cái khó khăn nhất của doanh nghiệp có đông công nhân là tâm lý chung của những người còn lại. Đồng ý là bố trí làm riêng, ăn riêng, khu vệ sinh riêng nhưng mà chắc chắn tâm lý người khỏe mạnh vẫn cảm thấy e dè”, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH JIA HSIN, Khu công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước, tỉnh Long An nói.
Tạo điều kiện làm việc vì quyền lợi của chính F0, F1
Còn tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, 100% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, với 60 doanh nghiệp và gần 6.000 công nhân. Theo ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu công nghiệp này, hiện nay, nguồn lao động khá ổn định và các doanh nghiệp có thể điều phối được nên chưa có doanh nghiệp nào đưa F0, F1 vào tham gia sản xuất. Tuy nhiên, nếu F0 không triệu chứng, F1 không có nguy cơ cao và tự nguyện, mong muốn được làm việc thì cũng nên tạo điều kiện cho họ làm việc vì chính cuộc sống, quyền lợi của họ.
“Tôi nghĩ đây là sự đột phá để công nhân F0 có thể tiếp tục làm việc, có thu nhập ổn định để lo cho gia đình thì ở góc độ này thì chúng tôi hết sức ủng hộ. Bởi vì hiện nay tình hình cũng bớt nguy hiểm và đã ổn định. Khi nhà nước cho phép thì doanh nghiệp cũng tiếp nhận và xử lý tình huống sao cho phù hợp”, ông Ngọc cho hay.
Trên địa bàn Long An hiện có 16 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng số 1.563 doanh nghiệp và gần 180.000 công nhân, người lao động, chuyên gia. Giai đoạn cao điểm dịch có trên 360 doanh nghiệp phát sinh F0 với trên 11.500 ca F0 và hầu hết đã khỏi bệnh. Long An cũng là tỉnh đầu tiên mạnh dạn cho các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
“Đây là hướng dẫn kịp thời, để doanh nghiệp chủ động sáng tạo và thích ứng tốt với tình hình thực tế để giải quyết nguồn lao động. Đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được làm việc, cũng thu hút thêm một số lao động từ nơi khác đến, đồng thời kiểm soát hiệu quả tình hình dịch COVID-19”, ông Nguyễn Văn Quí, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An cho biết.
Hiện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, nếu không bổ sung kịp thời sẽ không thể hoàn thành các hợp đồng giao hàng cho đối tác đúng thời gian quy định... Việc tỉnh Long An tiếp tục rà soát, đánh giá tổng quan tình hình dịch trên địa bàn và có những điều chỉnh linh hoạt sẽ tạo điều kiện duy trì ổn định hoạt động sản xuất, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch ./.