Doanh nghiệp 'quên' có công cụ chống bán phá giá
VOV.VN - Mặc dù ra đời từ hơn 10 năm nay, doanh nghiệp trong nước vẫn còn dè dặt khi áp dụng pháp lệnh này.
Ngày 24/7, tại Hà Nội, Trung tâm WTO - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Kiện chống bán phá giá ở Việt Nam – Đánh thức công cụ bị bỏ quên” nhằm giúp doanh nghiệp, hiệp hội hiểu thêm về quy trình, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại theo pháp luật; quyền và lợi ích của các bên liên quan trong vụ kiện chống bán phá giá.
Các ý kiến tại hội thảo cho thấy, mặc dù Pháp lệnh về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ có hiệu lực từ hơn 10 năm nay, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn dè dặt khi áp dụng, ngay cả khi hàng hóa có hiện tượng nhập khẩu ồ ạt gây ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, cũng như thị phần của doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: DĐDN) |
Theo bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng phòng Pháp chế, Công ty BlueScope Steel Việt Nam, doanh nghiệp chưa đầu tư đúng mức về thời gian và các nguồn lực tài chính, còn thiếu kinh nghiệm về kiện chống bán phá giá và áp dụng biện pháp tự vệ, dẫn đến mất thị trường.
“Mặc dù doanh nghiệp phải tự nhận thức để bảo vệ mình nhưng cần hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Nếu một mình doanh nghiệp thực hiện sẽ rất khó khăn. Hiện nay, nhiều số liệu từ Tổng cục thống kê hoặc Tổng cục Hải quan không thống nhất hoặc công bố không kịp thời khiến doanh nghiệp bị động trước thay đổi của thị trường. Do đó, các cơ quan chức năng cần công khai số liệu, thông tin chính xác, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp”, bà Dung nêu ý kiến.
Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn phòng vệ thương mại Trung tâm WTO – VCCI, đến nay, Việt Nam mới tiến hành 3 vụ điều tra, gồm 2 vụ điều tra tự vệ và 1 vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu.
Mới đây nhất là 2 Công ty Posco VST và Công ty Cổ phần Inox Hòa Bình nộp đơn lên Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia. Bộ Công Thương đã chính thức vào cuộc, dự kiến đầu tháng 10 tới sẽ có kết quả điều tra sơ bộ.
“Việc các doanh nghiệp sử dụng công cụ tự vệ cho thấy tín hiệu tốt để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước. Cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội đã nhận thấy sự cần thiết của công cụ này. Trong quá trình hội nhập, trong lúc các công cụ khác như thuế quan, rào cản kỹ thuật đôi khi còn chưa phát huy tác dụng, thì các biện pháp phòng vệ thương mại là lựa chọn là công cụ chính đáng được pháp lệnh quy định. Với hiện tượng hàng hóa nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, các doanh nghiệp cần sử dụng công cụ chống bán phá giá để bảo vệ chính đáng cho ngành sản xuất trong nước”, bà Loan chỉ rõ.
Trong khi đó, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) khuyến cáo, khi doanh nghiệp muốn điều tra chống bán phá giá, phải tìm kiếm công cụ bảo vệ phù hợp như thuế nhập khẩu, các biện pháp hành chính, hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, để có thể kiện chống bán phá giá được thành công thì doanh nghiệp phải xác định được mức độ thiệt hại như lượng bán hàng, hàng tồn kho, doanh thu./.