Doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất nếu thực hiện giảm giờ làm
VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất và người lao động sẽ mất việc làm nếu thực hiện giảm giờ làm.
Góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong phiên thảo luận ngày 23/10, đại biểu Vũ Tiến Lộc, tỉnh Thái Bình đề xuất, giữ nguyên theo quy định hiện hành về thời gian làm việc bình thường do đây là quy định phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế và rất nhân văn.
Cụ thể, quy định linh hoạt thời gian làm việc tối đa là 48 giờ/tuần. Nhà nước khuyến khích thực hiện tuần làm việc ít hơn là 44 hay 40 giờ tuỳ thuộc điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và sự thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Nhiều doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất và người lao động sẽ mất việc làm nếu thực hiện giảm giờ làm. (Ảnh minh họa) |
Giảm giờ làm, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định này là hợp lý, hợp tình bởi hầu hết các quốc gia có trình độ phát triển tương tự như nước ta và đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng ta đều quy định thời gian làm việc là 48 giờ.
Ngoài ra, Việt Nam chỉ vừa thoát khỏi ngưỡng nghèo, mới là nước có thu nhập trung bình ở trình độ thấp, năng suất lao động thậm chí còn đang ở mức thấp nhất trong khu vực, rút ngắn hơn nữa thời gian lao động sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất đối với tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Hơn nữa, giảm thời gian lao động sẽ dẫn tới giảm tiền lương và làm chậm lại các kế hoạch tăng lương cho người lao động. Bởi vì, tiền lương tối thiểu hiện tại được quy định trong tuần làm việc 48 giờ. Nếu giảm xuống 44 hoặc 40 giờ thì sẽ phải tính toán lại mức lương này cho phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế.
“Năng suất lao động thấp nên tiền lương và thu nhập của phần lớn người lao động vẫn chưa cao. Nếu giảm thời gian làm việc đồng nghĩa với việc giảm thu nhập. Người lao động vẫn phải tìm thêm việc làm để có thêm thu nhập, chủ yếu tại khu vực phi chính thức, dẫn đến nhiều hệ luỵ khó lường”, đại biểu đoàn Thái Bình nêu ý kiến.
Ông Lộc cũng cho rằng, giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay sẽ không mang lại lợi ích cho người lao động. Mặt khác, chi phí lao động của doanh nghiệp tăng lên, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp giảm sút, nhiều doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất và người lao động sẽ mất việc làm.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc cho rằng giải pháp giảm giờ làm việc chưa thực sự phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay, nhất là khi năng suất lao động của nước ta còn chưa cao so với nhiều nước trong khu vực.
“Tôi nhất trí đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành làm việc không quá 48 giờ/1 tuần nhưng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động giảm giờ làm việc hàng tuần quy định như Bộ luật Lao động (sửa đổi) là phù hợp và chặt chẽ”, ông Tiến nêu ý kiến.
Giảm giờ làm là xu thế tiến bộ của thế giới
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đoàn Hà Tĩnh lại dẫn số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế với 154 nước và vùng lãnh thổ, thì Việt Nam đang nằm trong 40 nước có thời giờ làm việc bình thường ở mức cao của thế giới.
Ngoài ra, theo ông Sơn giảm giờ làm vừa là xu thế tiến bộ trên cơ sở phát triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy tăng năng suất lao động, duy trì được sức khoẻ và tái tạo sức lao động, có thời gian để chăm sóc bản thân gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.
“Đảm bảo hài hòa lợi ích và phù hợp với điều kiện xã hội mà doanh nghiệp cần quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như tăng năng suất lao động. Cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tác động rõ nét hơn”, đại biểu đoàn Hà Tĩnh kiến nghị./.