Doanh nghiệp tại TPHCM nói gì về chỉ số DDCI vừa công bố?
VOV.VN - Việc TP.HCM công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và quận huyện (DDCI) được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao.
Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh nội bộ cũng dựa trên cơ sở ý kiến của 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cho thấy quyết tâm cải thiện thực chất chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính nhà nước ở TP.HCM.
DDCI được xây dựng dựa trên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). DDCI sẽ đánh giá 9 chỉ số với 70 tiêu chí gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở, ban ngành và chính quyền địa phương; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; vai trò của người đứng đầu. Riêng hai chỉ số chỉ khảo sát với từng địa phương là thiết chế pháp lý, an ninh trật tự và chỉ số tiếp cận đất đai, ổn định trong sử dụng đất.
So với DDCI các tỉnh thành khác, TP.HCM có thêm 3 tiêu chí là: Chỉ số thành phần về Ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số về chuyển đổi số. Và đặc biệt là chỉ số về sự phối hợp giữa các sở ban ngành. Đây là vấn đề gây bức xúc ở thành phố thời gian qua.
Theo ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, việc đánh giá năng lực nội bộ giúp chính quyền tìm sự đột phá trong giải pháp cải cách hành chính, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Qua đó, làm tăng niềm tin của doanh nghiệp đối với các vấn đề hành chính công của thành phố.
Ông Trường nói: “Đối với doanh nghiệp, DDCI kỳ này chính là sự lắng nghe thấu hiểu của lãnh đạo thành phố và các sở ban ngành trong các vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, vấn đề chính làm mỗi bên cần phải làm tốt ngay từ công việc của chính mình”.
Doanh nghiệp cần sự lắng nghe và thấu hiểu
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) cho rằng, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư đang muốn giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, thì một số nước Đông Nam Á đang được ngắm tới. Điều này mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Tuy nhiên nhà đầu tư đang quan sát rất cẩn trọng, nhất là vấn đề thuận lợi về thủ tục, thời gian và các loại chi phí khác đi kèm khi đầu tư tại TP.HCM.
Bà Mary Tarnowka cho rằng, DDCI sẽ là cách tiếp cận quan trọng và là công cụ để lãnh đạo thành phố thực hiện mục tiêu cải thiện hình ảnh của mình: “Hi vọng rằng DDCI sẽ là công cụ quan trọng cho thấy sự phản hồi của doanh nghiệp như thế nào để TP.HCM tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tận dụng được thời cơ đang có. Chúng tôi đánh giá cao sự cởi mở của TP.HCM khi đã lắng nghe và thấu hiểu những khuyến nghị và góp ý của các hiệp hội và doanh nghiệp quốc tế...”
Trong 5 năm qua, TP.HCM đã quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chỉ số PCI, nhưng thứ hạng lại không được như kỳ vọng (hiện thành phố đang ở thứ hạng 14). Thành phố còn 4 nhóm chỉ số thành phần nằm dưới mức trung bình, như: tính minh bạch, gia nhập thị trường, năng động, pháp chế và an ninh trật tự. Việc TP.HCM nỗ lực thay đổi hình ảnh về môi trường đầu tư thân thiện hơn cho thấy địa phương đã nhìn nhận thẳng thắn những yếu kém để tự hoàn thiện.
Ông Manoj Barthwal, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam nói: “Ở Việt Nam, chúng tôi đang tìm kiếm việc tiếp cận thông tin đầu tư được công khai, minh bạch và dễ dàng hơn. Chúng tôi mong có sự trao đổi thường xuyên hơn về chất lượng thu hút đầu tư, và tôi đánh giá cao việc triển khai DDCI. Điều này giúp chúng tôi tăng mức độ tự tin khi mang các doanh nghiệp đến với Việt Nam trong đó có TP.HCM”.
Từ những chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh nội bộ DDCI, TP.HCM đang phấn đấu trở lại nhóm các địa phương có nền kinh tế - xã hội cao nhất cả nước. Qua đó thực hiện mục tiêu đến 2025 nằm trong nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước về PCI./.