Doanh nghiệp than khổ vì khung khổ pháp lý chưa thống nhất
VOV.VN - Hiện vẫn còn những chồng chéo, bất cập trong các văn bản pháp luật và điều này đang gây ra những khó khăn, rào cản cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thời gian vừa qua, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (DN) gắn liền với các đạo luật quan trọng. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp năm 1999 tạo ra một bước ngoặt đối với sự phát triển DN, hay Luật Đầu tư năm 2005 và quá trình phân cấp sau đó, tạo ra sự bùng nổ về đầu tư tại các tỉnh, thành phố. Mặc dù vậy, vẫn còn những chồng chéo, bất cập trong các văn bản pháp luật, điều này đang gây ra những khó khăn, rào cản cho DN...
“Ma trận” hệ thống pháp luật
Cộng đồng DN cho rằng, thời gian gần đây hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta dần được hoàn thiện và có những bước tiến đáng kể trong tư duy quản lý và cách thức thiết kế chính sách. Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đặc thù, cần kiểm soát đã được các Luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn quy định, tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hệ thống pháp luật về kinh doanh còn nhiều thủ tục, điều kiện quy định tại một số văn bản pháp luật đang không thống nhất, gây cản trở cho DN.
Chỉ ra vướng mắc cụ thể trong thực tế, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cảng quốc tế Long An cho biết, Luật Đầu tư mặc dù chủ trương đổi mới sáng tạo đang được các cấp, các ngành đặc biệt chú trọng, nhưng Luật vẫn chưa đo lường được lĩnh vực này. Cụ thể, đối quy định về đấu thầu, mặc dù hình thức này đem lại sự minh bạch và công khai cho các đối tượng cùng tham gia, nhưng thực tế các tiêu chí, yêu cầu về kinh nghiệm áp dụng chung cho DN xây dựng và DN đổi mới sáng tạo lại chưa phù hợp, là rào cản cho các DN trẻ và DN khởi nghiệp. Hay với Luật Đất đai, hiện nhiều địa phương đang có cách áp dụng không thống nhất trong việc đóng tiền thuê đất, đẫn đến khó khăn cho DN khi triển khai các dự án đầu tư.
“Theo kinh nghiệm của DN khi đầu tư tại một số địa phương, quyền của DN được lựa chọn trong việc đóng tiền thuê đất với Nhà nước là có thể lựa chọn đóng một lần 50 năm, hoặc đóng hằng năm. Nhưng thực tế khi áp dụng tại các địa phương hầu như mang tính cảm tính, có địa phương yêu cầu đóng 1 lần 50 năm; có những địa phương yêu cầu phải đóng hằng năm. Việc này tạo ra rất nhiều khó khăn cho cộng đồng DN khi đầu tư các nơi, Luật đất đai có sự hiểu khác nhau”, bà Huệ bày tỏ.
Còn theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, vừa qua việc ban hành các văn bản còn thiếu sự đóng góp của DN và Hiệp hội, các cơ quan soạn thảo dứ án luật cần lấy quan điểm hỗ trợ đồng hành với doanh nhân, DN là chính. Các quy định pháp luật cần sử dụng các từ ngữ dễ hiểu, không nên để các bên lợi dụng, bóp méo nảy sinh giấy phép con, tạo rào cản gây khó khăn cho DN.
“Chúng ta đã hội nhập nên việc chỉnh sửa các văn bản pháp luật cũng phải có tính hội nhập, để sau này các dịch vụ pháp lý ở Việt Nam mới có cơ hội phát triển. Mỗi khi thông qua Luật, nên kiểm tra các Nghị định và Thông tư để đảm bảo tính đồng bộ, đảm bảo đúng với tinh thần của luật và có thể áp dụng được ngay”, ông Đoàn nêu ý kiến.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lại chỉ rõ thực trạng, 1 dự án đầu tư hay một DN hoạt động phải chịu sự điều chỉnh của “ma trận” hệ thống pháp luật khác nhau. Do đó, các dự án cứ “chạy vòng vòng” và DN phải mất rất nhiều công sức để làm thủ tục. Và chỉ cần một trục trặc trong “ma trận” văn bản này, thì một dự án có thể bị bế tắc, dừng lại. Hơn nữa, vừa qua, có nhiều mô hình kinh doanh mới, nhưng cách tiếp cận về khung khổ pháp lý chưa thống nhất.
“Hiện nay xu hướng một số Luật đang trao quyền trực tiếp cho các Bộ quá nhiều, điều này chưa đúng tinh thần của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp- là chỉ có cấp Chính phủ trở lên mới đặt ra điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Do vậy, cần có chương trình rà soát tổng thể, toàn diện quy định pháp luật liên quan đến thủ tục hành chính, phí mà DN phải nộp… Đồng thời, cần sửa đổi các quy định phù hợp với bối cảnh mới hiện nay; Minh bạch, thực chất hơn nữa trong việc xây dựng pháp luật phải thực chất”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Xây dựng, soạn thảo luật cần có ý kiến của DN
Tại cuộc làm việc với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam mới đây, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Uỷ ban vừa được giao nhiệm vụ xây dựng đề án luật, pháp lệnh năm 2021-2026 với 8 định hướng lớn trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh… Đối với một số kiến nghị của VCCI trong việc rà soát lại những quy định đang là rào cản gây cản trở kinh doanh, thì ngày 5/10 vừa qua, Quốc hội đã trình đề xuất 1 luật sửa 10 luật trong đó có sửa đổi nhiều luật quan trọng như: Luật Điện lực, Luật Hải quan, Luật Nhà ở…
“Trong thời gian tới, VCCI nói riêng và cộng đồng DN, Hiệp hội DN nói chung phải tiếp tục tham gia đồng hành cùng với các cơ quan Chính phủ và Quốc hội, để có tiếng nói từ thực tiễn cuộc sống từ hoạt động của DN. Từ đó, đóng góp ý kiến của mình vào quá trình xây dựng, soạn thảo luật, cũng như thông qua Luật ở Quốc hội để Luật được ban hành sát với thực tiễn cuộc sống, đi vào cuộc sống giải quyết được những vấn đề khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng DN”, ông Tùng khẳng định.
Hiện công tác phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định đối với các DN trong việc thực hiện các chính sách pháp luật chưa đồng đều, vẫn có sự chênh lệch giữa các địa phương, vùng miền. Do đó, cộng đồng DN kỳ vọng, rất cần triển khai đồng bộ các nội dung hỗ trợ của luật để có sự thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành tránh trường hợp áp dụng mỗi nơi, mỗi kiểu gây khó cho DN.
Cùng với đó, các cơ quan, Bộ, ngành phải tăng cường ứng dụng công nghệ để hỗ trợ DN tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin pháp lý, nhất là những văn bản hướng dẫn thi hành luật, Nghị định. Trong đó, quan trọng nhất là các Thông tư của các Bộ, liên Bộ, để hỗ trợ DN trong việc cập nhật và nâng cao kiến thức pháp luật kinh doanh./.