Doanh nghiệp thích ứng để phát triển trong tình hình thế giới biến động

VOV.VN - Tình hình thế giới được dự báo vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế. Do đó, doanh nghiệp Việt phải nỗ lực thích ứng bằng sản phẩm đặc thù, bằng nắm bắt kịp thời các thị trường tiềm năng, bằng thay đổi về quản trị…

Tình hình thế giới được dự báo vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế. Việt Nam với nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, đương nhiên, các danh nghiệp Việt cũng chịu ảnh hưởng mạnh của các biến động từ kinh tế thế giới.

Doanh nghiệp Việt phải nỗ lực thích ứng bằng sản phẩm đặc thù, bằng nắm bắt kịp thời các thị trường tiềm năng, bằng thay đổi về quản trị… Đó là lời khuyên từ các chuyên gia kinh tế đang được nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM thực hiện.

Nắm bắt kịp thời cơ hội xuất khẩu

Hiện nay, nhiều quốc gia rơi vào tình trạng lạm phát, giá hàng hóa tăng cao và người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong điều kiện khó khăn đó, vẫn còn nhiều cơ hội, vấn đề là doanh nghiệp có nắm bắt kịp thời hay không. Cụ thể, cơ hội đang nằm ở thị trường Ấn Độ, Châu Âu nhiều tiềm năng nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác đúng mức.

Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang cho rằng, trước bối cảnh khó khăn như vừa qua và cả thời gian tới, Điện Quang vẫn phát triển được. Đó là vì vài năm trở lại đây, công ty vừa nỗ lực đầu tư công nghệ cho dòng hàng sản phẩm truyền thống là chiếu sáng vừa mở rộng ra nhiều ngành nghề khác như: công nghệ thông minh, năng lượng mặt trời, điện gia dụng... Có như thế mới đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường đa dạng.

"Trong bức tranh màu xám, nếu biết khai thác cơ hội thì vẫn phát triển được. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến tranh khiến vật tư nguyên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Nhưng doanh nghiệp lại tìm ra được cơ hội xuất khẩu giá tốt, xu thế chuyển dịch các chuỗi cung ứng lớn sang Việt Nam vẫn đang diễn ra. Nếu doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ, có đủ năng lực về máy móc thiết bị, công nghệ, năng lực quản trị thì hoàn toàn nắm bắt được cơ hội để phát triển" - ông Hồ Quỳnh Hưng chia sẻ.

Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Duy Anh Food cho biết, hai năm dịch bệnh khiến công việc sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng, thậm chí gián đoạn nhưng doanh nghiệp chủ động chuẩn bị để khi dịch được khống chế thì phục hồi nhanh nhất.Duy Anh Food đã chuyên tâm với dòng sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp Việt là sản phẩm chế biến từ gạo với hương vị thiên nhiên như: Bún dưa hấu, bánh tráng thanh long, bún ngũ cốc… Chính các sản phẩm này khi xuất hiện tại một số hội chợ quốc tế lớn như Thaifex đã được trao giải thưởng sáng tạo, giúp doanh nghiệp khẳng định chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu và có thêm nhiều khách hàng mớ

"Duy Anh đã có định hướng, phân tích thị trường rõ ràng. Thị trường nào tập trung phát triển, thị trường nào rủi ro thì có thể giảm lại, làm cho an toàn. Sau dịch thì có nhiều vấn đề khủng hoảng xảy ra, đối tác có sự thay đổi, khách hàng mới cũng có sự biến chuyển" - ông Toàn cho hay.

Ông Đỗ Hòa, chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, doanh nghiệp Việt cần phải chú trọng thâm nhập vào thị trường khu vực (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN), thị trường tiềm năng đang bị bỏ ngỏ. Các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu một chiến lược hiệu quả để khai thác thị trường lớn ngay sát kề bên này.

"Lâu nay doanh nghiệp không chú trọng công tác làm thị trường mà chỉ tập trung vào sản xuất vì đơn hàng đã có người khác lo. Thế nhưng trong tình hình này thì doanh nghiệp phải chủ động tìm thị trường cho mình, không phụ thuộc vào những thị trường người khác đưa đến. Từ chỗ lâu nay chỉ xuất thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ thì theo tôi hiện nay doanh nghiệp nên có chiến lược khai thác thị trường ASEAN" - ông Hòa nhấn mạnh.

Chuẩn bị cho năm 2023 đầy biến động

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tình hình kinh tế thế giới đầy biến động, diễn biến phức tạp thời gian qua có thể tiếp tục trong năm 2023. Hiện nay, với độ mở cao của nền kinh tế Việt Nam, với tỷ trọng xuất nhập khẩu tương đương 236% GDP, bất cứ “cơn nóng- lạnh” nào của nền kinh tế thế giới cũng sẽ tác động sâu sắc đến Việt Nam và các doanh nghiệp sẽ phải sẵn sàng ứng phó.

Cùng với cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện thế giới, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, là biến đổi khí hậu khắp nơi trên thế giới, gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp, sản xuất lương thực.

Trong khi đó, ở nội tại, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với lạm phát nhập khẩu từ dầu khí, nguồn cung các nguyên vật liệu nhập khẩu bị gián đoạn, chi phí sản xuất tăng cao, lãi suất ngân hàng tăng, thị trường chứng khoán sụt giảm, lao động mất việc tăng…Doanh nghiệp rất cần vốn để phục hồi nhưng tiếp cận vốn không dễ dàng.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh khuyến cáo, bản thân các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho một năm thế giới đầy biến động, phải nỗ lực tìm và nắm bắt cơ hội để vượt qua khó khăn và phát triển. 

"Các doanh nghiệp cần phải phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để xác định rõ khả năng thị trường nào có sức mua. Vẫn có cơ hội, nhưng không còn cơ hội truyền thống, mà đây là những cơ hội mới cần được phát hiện ra, cần xác định rõ. Khi có cơ hội cần tận dụng ngay không chậm trễ bởi các nước khác cũng đang rất nhanh tay. Hiện nay, cơ hội mở rộng đầu tư hợp tác với Ấn Độ là cơ hội có thực" - Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nêu rõ.

Doanh nghiệp phải sản xuất ngành hàng chủ lực của mình một cách tối ưu, nhất là những mặt hàng mà chỉ có doanh nghiệp Việt sản xuất được. Có như vậy thì doanh nghiệp mới giữ vững thị phần xuất khẩu ở thị trường truyền thống và tìm thêm thị trường mới.

Ông Thái Vĩnh Phúc, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn Tân Phú Việt Nam- doanh nghiệp chuyên về sản phẩm nhựa, cho biết, sau dịch công ty gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng đứt gãy, nhưng đến nay thì đã có sự chuẩn bị về tài chính, con người và nguyên vật liệu để không phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào. Đồng thời, công ty đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa theo hướng đa kênh, tối ưu hóa chuyến hàng, ghép hàng để giảm chi phí vận chuyển nguyên vật liệu.

Ông Phúc cho biết: "Tốt nhất là có nền tảng tài chính vững mạnh, tiết giảm chi phí, sử dụng nhân lực hiệu quả nhất, có những dự trù rủi ro. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp Việt Nam biết kết hợp với nhau tạo nên chuỗi cung ứng của chính nội tại thì đó là là cách tốt nhất để chống đỡ với những diễn biến thị trường rất phức tạp trước mắt".

Tình hình thế giới biến động và nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc thị trường xuất nhập khẩu rất nhiều, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao các biến động trên thị trường thế giới để có thể chủ động ứng phó kịp thời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên