Doanh nghiệp ứng phó với giá cả tăng cao
Cắt giảm chi tiêu, tạm dừng hoãn xây dựng các công trình lớn, tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ sản xuất… là những phương án được các doanh nghiệp tính đến
Khi điện, xăng dầu, than và nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đồng loạt tăng giá, doanh nghiệp Việt Nam đã lên phương án đối phó. Trong đó, cắt giảm chi tiêu, tạm dừng hoãn xây dựng các công trình lớn, tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ sản xuất… là những phương án được các doanh nghiệp tính đến.
Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc là nhà cung cấp và phân phối hàng đầu Việt Nam với các sản phẩm chuyên dụng cho khách sạn, du thuyền, hàng không, bệnh viện và du lịch. Ngay từ đầu năm, giá cả thị trường tăng cao đã tác động không nhỏ đến việc sản xuất của công ty. Trước tình hình đó, công ty đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, nhất là tiết kiệm điện, nước, điện thoại, thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí. Kết quả mỗi tháng, công ty đã tiết kiệm tới gần 30% điện năng. Số tiền tiết kiệm được từ các việc làm này công ty đầu tư vào sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc cho biết: Các giải pháp vượt qua khó khăn của công ty đó là tạm dừng kế hoạch sản xuất, vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động cải tiến và tiết kiệm chống lãng phí, động viên khuyến khích nhân viên hiểu, tự giác tích cực tham gia các chương trình tiết kiệm, cải tiến và cắt giảm lãng phí của công ty đặc biệt là trong vấn đề sử dụng năng lượng, tiết kiệm năng lượng.
Nhiều doanh nghiệp đã tính toán rất kỹ về tỷ giá đô la, kế hoạch kinh doanh, khả năng thu hồi vốn và khối lượng công việc dở dang, xây dựng định mức đơn giá nội bộ nhằm quản lý chặt chẽ chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng cường mở rộng thị trường, lĩnh vực dịch vụ mới. Công ty cổ phần Vinacomodities chuyên kinh doanh hàng hoá nông sản như: hạt điều, đậu tương, lúa mỳ, ngô, cám ngô, cám gạo, bột cá, hạt cải khô và các loại sữa thay thế… Công ty chuyên cung cấp cho thị trường nông sản trong nước cũng như quốc tế những sản phẩm chất lượng cao, thông qua các hình thức giao dịch hiện đại với các biện pháp phòng tránh rủi ro hiệu quả trên sàn giao dịch.
Ông Trần Văn Toàn, Giám đốc Công ty cho biết, trong thời điểm giá cả hàng hóa tăng cao, cách hữu hiệu nhất để ứng phó đó là tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi tiêu. Cùng với đó là mở rộng thị phần sang các nước, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo uy tín với các đối tác trên thế giới. “Hàng hóa trong nước khi xuất khẩu đi thì quan trọng nhất là phải giữ được uy tín với khách hàng quốc tế, giao hàng đúng và đủ, chất lượng hàng ổn định. Chiến lược của công ty là có hàng hóa trong kho hoặc có mua vào thì mới bán ra, đưa hết về kho để kiểm tra chất lượng rồi mới xuất khẩu đi, gây dựng thương hiệu của công ty trên thế giới. Qua thời gian làm các khách hàng quốc tế rất tin tưởng… “ - ông Toàn nói.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), trước tình hình giá cả tăng cao như hiện nay, những biện pháp ứng phó của các doanh nghiệp là rất hợp lý và kịp thời, theo đúng chỉ đạo, tiêu chí và yêu cầu Nghị quyết 11 của Chính phủ về chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng: Hệ thống giá cả thay đổi như vậy thì các yếu tố đầu vào đầu ra của họ thay đổi rất nhiều chưa kể lãi suất cao làm cho doanh nghiệp rất khó trong việc mở rộng vốn kinh doanh thường là thu hẹp lại. Trước bối cảnh đó cơ bản buộc phải thắt chặt chi tiêu của mình, doanh nghiệp buộc phải lựa chọn phương án hiệu quả nhất, đối phó với tình hình trong ngắn hạn, không nên làm bất kỳ một dự án lớn nào có tầm nhìn quá dài.
Các giải pháp ứng phó được chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai được kỳ vọng sẽ giúp giá cả thị trường hạ nhiệt. Về lâu dài, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để hạn chế tình trạng thua lỗ và phát triển kinh doanh bền vững cần có những biện pháp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước./.