Doanh nghiệp vẫn gặp khó do chính sách thuế thay đổi nhanh
VOV.VN - Chính sách, pháp luật thuế thay đổi tương đối nhanh khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực thi.
Sáng 27/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp (DN) đánh giá cao nỗ lực của cơ quan thuế, hải quan thời gian qua đã cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp cắt giảm thời gian, chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các đại diện của Bộ Tài chính, VCCI trực tiếp trả lời các thắc mắc của DN |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, thời gian qua Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển DN theo các nghị quyết của Chính phủ.
Cụ thể như, trong lĩnh vực thuế, đã rà soát, chuẩn hóa 300 thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện khai thuế điện tử trên cả nước với 622.654 DN đạt 99,64%; số lượng khai thuế điện tử đã tiếp nhận là trên 43,5 triệu hồ sơ. Cơ quan thuế kết nối nộp thuế điện tử với 46 ngân hàng thương mại và đã có 96% số DN thực hiện với số tiền đã nộp ngân sách nhà nước 1/1/2017 đến nay là 392.160 tỷ đồng…
Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan và đến nay đã có 8,86 triệu tờ khai xử lý trên hệ thống VNACSS/VCIS với khoảng 74.600 DN tham gia và có hơn 573.000 hồ sơ được xử lý qua cơ chế một cửa quốc gia với sự tham gia của 14.763 DN; triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các Cục Hải quan; kết nối với 40 hãng hàng không để kịp thời nắm thông tin về hàng hóa nhập khẩu, thí điểm triển khai hệ thống thông tin, quản lý các DN hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu; triển khai nộp thuế qua ngân hàng…
“Những nỗ lực cải cách nêu trên đã được cộng đồng DN đánh giá cao. Tại Báo cáo MTKD năm 2018 do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, MTKD của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tăng thêm 14 bậc và xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, trong đó chỉ số nộp thuế năm thứ 4 liên tiếp được đánh giá là một trong những chỉ số có tác động tích cực nhất với MTKD chung ở Việt Nam, tăng 81 bậc và đứng thứ 86/190…”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, dù những thay đổi trong chính sách, pháp luật thuế trong thời gian gần đây đã theo hướng tạo thuận lợi cho các DN, nhưng bản thân những thay đổi nhanh chóng cũng khiến không ít DN gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin để tuân thủ.
“Chính sách, pháp luật thuế thay đổi tương đối nhanh, đi kèm với các mẫu biểu cũng có điều chỉnh khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực thi. Trong khi đó một số cơ quan thuế lại chậm trễ trong việc trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp khiến doanh nghiệp phải tự tìm hiểu, dẫn tới việc doanh nghiệp dễbị nhầm lẫn, thực thi không chính xác và doanh nghiệp lại phải mất thời gian tới cơ quan thuế để điều chỉnh. Bên cạnh việc thay đổi nhiều thì thời gian có hiệu lực của các chính sách pháp luật thuế lại tương đối nhanh khiến doanh nghiệp chưa kịp điều chỉnh và thực hiện”, ông Phòng chỉ rõ.
Một trong những vấn đề DN gặp nhiều vướng mắc nhiều nhất hiện nay là nợ thuế, phạt nộp chậm thuế. Theo ông Phòng, một số DN cho biết, khi có sự chênh lệch giữa số liệu thuế của DN và cơ quan thuế thì không có được sự hướng dẫn và đối chiếu giữa cán bộ thuế và DN nên dẫn tới việc DN thường xuyên nhận được thông báo nợ thuế trong khi DN không nợ số thuế này. Chưa nhận được sự hướng dẫn cụ thể của cán bộ nơi tiếp nhận hồ sơ dẫn đến doanh nghiệp phải đi lại nhiều.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, tình trạng tính nhầm thuế của DN vẫn diễn ra và DN mang chứng từ lên thuế đối chiếu nhiều lần nhưng hàng tháng vẫn báo DN nợ thuế. Một số DN cho biết vấn đề này do hệ thống nộp thuế điện tự tính nhầm, vì vậy cơ quan thuế cần tự động giải quyết và khắc phục cho DN. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng “các số liệu nộp và nợ thuế, phạt hành chính trong các thông báo hàng tháng thiếu chính xác, điều chỉnh chưa kịp thời khi đã có ý kiến của DN”. Thậm chí, có DN phản ánh cơ quan thuế địa phương căn cứ vào đó để làm khó và mất công sức và thời gian của DN.
“DN sai thì cơ quan thuế phạt mà thuế sai thì cơ quan thuế cũng nên xin lỗi và tìm cách giải quyết cho nghiệp một cách nhanh nhất. Để khắc phục tình trạng này, các DN đề nghị cơ quan thuế cải tiến hệ thống kê khai và đối chiếu ứng dụng công nghệ thông tin để DN có thể thuận tiện tra cứu thông tin về số thuế DN đã nộp, chưa nộp, còn thiếu và thời hạn để DN chủ động nộp hoặc điều chỉnh sớm để tránh phát sinh các khoản lãi phạt”, ông Phòng nêu ý kiến.
Trong lĩnh vực hải quan, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, VCCI tiếp nhận một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Cụ thể như: việc áp mã HS có hiện tượng áp dụng khác nhau giữa các Cục, Chi cục Hải quan, gây khó khăn trong giải quyết thủ tục hải quan và mức thuế phải nộp; thủ tục khai báo hải quan vẫn còn rườm rà, mất thời gian…
Trên cơ sở tập hợp ý kiến của DN, về thuế, đại diện cho cộng đồng DN, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, cộng đồng DN mong muốn ngành Thuế cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế đối với các DN có lịch sử chấp hành tốt nghĩa vụ thuế. Ngành thuế cũng cần nâng cao chất lượng thông tin về chính sách, pháp luật thuế cho DN và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế. Bên cạnh đó, các DN cũng đề nghị cơ quan Thuế cần chủ động phối hợp với các cơ quan khác trong việc giải quyết các vướng mắc về thuế của DN và tăng cường công khai minh bạch.
Về lĩnh vực hải quan, đại diện VCCI kiến nghị cơ quan này cần tiếp tục cải tiến để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của DN hiện nay và trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính hải quan; tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính hải quan; áp dụng quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan làm nền tảng cho việc xây dựng ban hành và thực hiện các chính sách quản lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính hải quan; chủ động phối hợp với các cơ quan khác để giải quyết vướng mắc cho DN…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, đại diện Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cũng đã giải đáp các ý kiến của DN. Thứ trưởng Vũ Thị Mai cam kết Bộ Tài chính sẽ ghi nhận tất cả ý kiến của DN, nghiên cứu thỏa đáng, nếu vướng mắc do cơ chế chính sách, Bộ Tài chính sẽ trình, hoặc tiếp thu, sửa đổi./.
70% sai lệch số liệu nợ thuế do người nộp thuế gây ra
Nợ đọng thuế gần 83.000 tỷ đồng, hơn 40% không có khả năng thu hồi