Doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị gì cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN?

VOV.VN-AEC dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015, với mục tiêu tạo ra một thị trường chung, một không gian sản xuất đơn nhất của khu vực

Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp các nước ASEAN nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Vậy doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị như thế nào cho một sân rộng chơi lớn này?

Với 10 quốc gia thành viên, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)  sẽ trở thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỉ USD. Có thể nói đây là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp. Thế nhưng, đến thời điểm này, gần 80% doanh nghiệp ở Việt Nam chưa biết mình cần phải chuẩn bị gì trước sự kiện gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Ông Chu Đức Khải, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết: “Ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn trong ngành thép đang có hoạt động xuất khẩu vào ASEAN mới quan tâm đến các tiêu chuẩn, còn lại nhiều doanh nghiệp vẫn lơ mơ. Năm 2013 thị trường thép không sôi động, doanh nghiệp chỉ sản xuất 60% công suất. Xuất khẩu chỉ được 1,74 triệu tấn sang ASEAN thu về 1,4 tỷ USD, là con số nhỏ so với 40 tỷ USD xuất khẩu sang ASEAN”.

Những doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị cho một cộng đồng kinh tế chung chủ yếu là những công ty có đầu tư và cạnh tranh trong khu vực từ nhiều năm nay. Còn với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thâm nhập thị trường này cũng gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Công Danh, phụ trách xuất nhập khẩu của Công ty Cổ phần Vật tư và thiết bị Toàn Bộ chia sẻ: “Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có lợi thế về nông sản. Còn một số mặt hàng khác thì vẫn còn nhiều khó khăn. Như công ty chúng tôi xuất khẩu xe máy, cũng là mặt hàng có lợi thế, nhưng đang gặp cạnh tranh gay gắt từ các nước Thái Lan, Trung Quốc giá rất rẻ, mẫu mã đẹp hơn. Vì vậy mình phải cạnh tranh bằng giá và chất lượng tốt hơn hẳn thì mới thâm nhập tốt thị trường này.”

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu cơ hội và tìm đường đi nước bước cho mình: “Việt Nam có vị trí thuận lợi trong kết nối ASEAN và Đông Bắc Á. Khi hội nhập, rào cản thương mại và đầu tư, giao dịch của con người giảm xuống, cho phép kết nối những nơi xa nhau dễ và sự tập trung tăng lên rất nhanh. Sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp cần tính chuyên biệt. Nếu ta đi vào các ngành cũ rồi  thiết lập mạng lưới sản xuất thì khó. Mình  cần có các sản phẩm là lợi thế của Việt Nam.”

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần hiểu rõ thách thức khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Đặc biệt, doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) thì phải đảm bảo được quy tắc xuất xứ hàng hóa từ các nước ASEAN.

Ông Trần Thanh Hải nói: “Thuế suất giảm, nhưng vẫn có hàng rào khác như quy tắc xuất xứ. Tức là phải có ít nhất 40% hàm lượng sản phẩm sản xuất trong khối ASEAN mới được hưởng ưu đãi. Nếu nhập nguyên liệu quá nhiều từ các nước ngoài khối thì cũng không được hưởng thuế ưu đãi. Khi không đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì thuế nhập khẩu trở nên vô nghĩa. Ngoài ra, một số biện pháp khác như chống trợ cấp, chống bán phá giá cũng là hàng rào thương mại mà doanh nghiệp cần lưu ý.”

Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang được xây dựng đúng lộ trình và thời điểm. Doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động tìm hiểu và tận dụng cơ hội, tạo ra các lợi thế cạnh tranh. Để tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN thành công vào năm 2015 đòi hỏi nhiều nỗ lực của không chỉ từ phía các cơ quan Chính phủ mà cần có sự chủ động và tích cực hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên