Doanh nghiệp xã hội: Đã có phận mà chưa có danh?
(VOV) -Nhiều năm qua, các DN này giúp nâng cao một số năng lực cho người dân và họ trở thành đối tác của chính DN.
“… Tiếp nhận và phát hiện các hoạt động kinh doanh sáng tạo, có hiệu quả tác động xã hội tích cực ở địa phương, hỗ trợ phát triển năng lực quản trị điều hành, phát triển kinh doanh…”. Đây chỉ là một trong số rất nhiều mục tiêu của Trung tâm Phát triển doanh nghiệp xã hội Tia Sáng (Spark) đặt ra trong chương trình hoạt động của mình.
Câu chuyện lập nghiệp
Một lái xe ở bệnh viện tỉnh Yên Bái, nhiều lần chứng kiến việc chậm trễ đưa người bệnh đi cấp cứu nên đã không cứu được bệnh nhân. Điều này khiến anh trăn trở và quyết định thành lập Công ty Cổ phần Trí Đức 115 làm dịch vụ vận chuyển cấp cứu.
Đầu tư xe cứu thương chuyên dụng với giá hợp lý, và được hỗ trợ đào tạo chuẩn hoá kỹ năng sơ cứu cho toàn bộ đội ngũ nhân viên, sau hơn 3 năm hoạt động, công ty đã chở được gần 6.000 ca, đặc biệt có nhiều ca cấp cứu ở các xã, huyện vùng sâu, vùng xa của Yên Bái. Phí chuyên chở tính bằng giá cước xe taxi. Với người nghèo, công ty áp dụng mức phí thấp hơn từ 10-15%. Điều đáng nói là tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa xã hội này nhưng doanh nghiệp lại làm ăn có lãi.
Câu chuyện này được ông Lê Đình Long – Giám đốc Phát triển (Trung tâm Phát triển doanh nghiệp xã hội Tia Sáng -Spark) chia sẻ khi nói về các doanh nghiệp xã hội hiện nay. Và Trí Đức chỉ là một trong số rất nhiều mô hình DNXH hiện nay đang hoạt động được hỗ trợ của Spark. Những năm qua, Spark đã hỗ trợ nhiều DN ở 27 tỉnh, thành trong việc nâng cao năng lực kinh doanh như kế toán, quản trị, tổ chức sản xuất…
Một phiên kết nối của Spark tại Thái Nguyên (ảnh Spark) |
Còn với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) thì lại tập trung vào nhóm đối tượng cư dân ven biển. Mục tiêu của MCD được bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc MCD cho biết: Chúng tôi cho rằng là DNXH thì phải hỗ trợ cho cộng đồng dân cư cùng phát triển, cùng tiến bộ để cùng họ thực hiện kinh doanh
Doanh nghiệp xã hội do các nhà quản lý MCD thành lập có tên là Ecolife cung cấp các dich vụ sinh sinh thái có yếu tố cộng đồng. Ở đây người dân và doanh nghiệp Ecolife cùng tham gia vào một chuỗi của hoạt động kinh doanh. Ví dụ như trong du lịch sinh thái cộng đồng, Ecolife giới thiệu khách, đặc biệt là các nhóm tình nguyện viên khách thăm quan, tình nguyện viên nước ngoài có thể đến các vùng ven biển, trong đó người dân có thể cung cấp các dịch vụ tại chỗ còn Ecolife thì có nhiệm vụ tiếp thị, quảng bá, giao dịch với khách. Các vấn đề về ngôn ngữ, giao lưu sẽ được Ecolife dần hướng dẫn giúp người dân hoàn thiện.
Khái niệm DNXH không còn quá mới ở Việt Nam.Tuy nhiên, để có được chỗ đứng như hiện nay là một sự nhọc công, vất vả của những người tiên phong. Là một trong những người tích cực hoạt động trong lĩnh vực này, bà Huệ chia sẻ: “Thoạt đầu, chúng tôi rất lúng túng không biết nó là một hình thức tổ chức mới hay đó là một khái niệm… Cuối cùng, chúng tôi nhận ra đó là cách tiếp cận mới đòi hỏi sự sáng tạo.
“MCD cung cấp các dịch vụ hỗ trợ năng lực cho các cộng đồng dân cư ven biển để họ cải thiện cuộc sống và họ là người hưởng lợi. Giờ đây, khi DNXH Ecolife đi vào hoạt động, người dân sẽ được tham gia và chuỗi, đến lúc nào đó họ có thể cung cấp một số dịch vụ trong chuỗi (ví dụ, các dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống, hướng dẫn của du lịch sinh thái cộng đồng)… như vậy người dân từ vai trò người hưởng lợi của các dự án phát triển đã trở thành đối tác kinh doanh, bình đẳng với DN. Nếu người dân cung cấp các dịch vụ ngay tại chỗ thì DN chịu trách nhiệm bán hàng, phân phối sản phẩm, tiếp thị, làm sao chính anh phải đưa ra các tiêu chí kinh doanh để thỏa mãn khách hàng” – bà Huệ nói.
Để làm được việc này cũng có nghĩa là DNXH phải gánh trên vai hai nhiệm vụ: một là phải có hoạt động kinh doanh tự nuôi mình và một là phải đảm bảo cải thiện đời sống, nâng cao năng lực của cộng đồng. Theo bà Huệ, khó nhất là DNXH cùng người dân thực hiện việc kinh doanh, cùng các bên liên quan khác vận động để có sự phát triển bền vững.
Kinh doanh và trách nhiệm xã hội
Nếu với các DN kinh doanh thuần túy, trách nhiệm xã hội là một trong những nhiệm vụ Nhà nước đặt ra đối với DN. Còn với các DNXH, việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội xuất phát từ tâm của người lãnh đạo DN. “Người có tâm giúp đỡ xã hội thì họ sẽ không ăn ngon, ngủ yên khi không giúp được xã hội” – ông Long chia sẻ.
Và để thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp xã hội, Spark đã thành lập một mạng lưới Đại sứ của Spark. Một trong các nhiệm vụ của Đại sứ Spark là tìm những doanh nhân có tâm trong cộng đồng để đồng hành cùng Spark trong các hoạt động kinh doanh vì cộng đồng. Bởi theo lý giải của ông Long, thông thường những doanh nhân có tâm với xã hội lại thường rất thầm lặng. Spark sẽ giúp họ kết nối với các phong trào xã hội.
Ở nước ngoài, hoạt động này đã có từ rất lâu và có nền tảng pháp lý rõ ràng. Ở Việt Nam phát triển DNXH bắt đầu được chú ý tới những chưa có những quy định cụ thể.
Khó khăn của nhiều DN Việt Nam hiện nay là vấn đề vốn. Tuy nhiên, nhắc đến câu chuyện này, cả ông Long và bà Huệ đều khẳng định đây không phải là vấn đề lớn đối với các DNXH. Theo bà Huệ, “Vốn lớn nhất chúng tôi đã xây dựng được là lòng tin, sự quan tâm đến lợi ích của nhau. Các mô hình kinh doanh vì xã hội không chỉ có tiền là giải quyết được. Đã có lúc chúng tôi nghĩ mình tự làm được vì đã hiểu cộng đồng, xây dựng được lòng tin nhưng đến thời điểm này, chúng tôi nhận thấy cần có các đối tác khác bổ trợ cho năng lực mà chúng tôi không phải cốt lõi”. Và đây cũng chính là lý do để mới đây, tại Hà Nội, MCD, Spark và Trung tâm CNTT – Truyền thông Vietnet (Vietnet – ICT) đã tiến hành trao thỏa thuận hợp tác hỗ trợ cộng đồng ứng phó biến đổi khí hậu vùng ven biển.
MCD quan tâm đến cộng đồng cư dân ven biển (ảnh V.H) |
Trở lại với câu chuyện vốn, theo ông Long, trên thế giới đang có một nguồn vốn lớn không phải cho không mà chỉ cho vay không lấy lãi, hoặc lãi rất thấp dành cho các dự án đầu tư tạo được tác động xã hội. Thậm chí sau một thời gian cho vay, thấy hiệu quả xã hội tốt thì người ta cho một phần. Đó là quỹ đầu tư tạo tác động xã hội. “Bản thân tôi hiện cũng đang là thành viên trong Hội đồng quản trị của một quỹ như vậy. Các quỹ này trên toàn cầu có quy mô lên tới cả tỷ USD. Tôi mong muốn năm nay ở Việt Nam có thể thu hút được khoảng 10 triệu USD từ các quỹ đầu tư tạo tác động xã hội... Nếu năm nay làm được 10 triệu USD thì năm sau sẽ tăng lên gấp đôi và các năm tiếp theo sẽ là cấp số nhân…” – ông Long bày tỏ hy vọng và sự lạc quan của mình.
Cho đến giờ phút này, theo ông Long, nhiều quỹ đã cố gắng tìm kiếm các cơ hội đầu tư nhưng chưa được như kỳ vọng. Lý do là năng lực điều hành của doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu. Các quỹ đưa ra những điều kiện ngặt nghèo về trình độ quản trị, quản lý DN. “Ở Việt Nam mà yêu cầu cả bộ máy lãnh đạo nói tiếng Anh thì hơi khó. Hoặc là đòi hỏi DN phải hoạt động 5-7 năm rồi, phải có điều lệ chỉn chu, qui định rõ điều kiện bảo vệ cổ đông nhỏ…”.
Nâng cao năng lực kinh doanh để DN phát huy vai trò đối với xã hội; nâng cao năng lực cho cộng đồng và còn rất nhiều lĩnh vực khác mà nguồn lực, ngân sách của Nhà nước chưa thể với tới, các DNXH sẵn sàng đảm nhận. Nói như ông Long, đã là người có tâm, nếu không làm được thì sẽ không ăn ngon, ngủ yên./.