Doanh nghiệp xi măng đứng trước nguy cơ phá sản
Ngành xi măng đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất thua lỗ kéo dài dẫn đến nguy cơ phá sản là hiện hữu.
Theo Báo cáo ngành xi măng 5 tháng đầu năm 2012 của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành này đang đứng trước những khó khăn lớn với nhiều thách thức đang gặp phải, nhiều doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng sản xuất kinh doanh thua lỗ nhiều năm, sản xuất đình trệ, và rất có nguy cơ dẫn đến phá sản nếu không được tháo gỡ kịp thời.
Báo cáo nêu rõ, 5 tháng đầu năm sản xuất xi măng đạt khoảng 19 triệu tấn, giảm 16,8% so với cùng kỳ, tiêu thụ cũng ước đạt khoảng 19 triệu tấn giảm 7,8% so với cùng kỳ.
Năm 2012 toàn ngành xi măng có công xuất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, sản lượng dự kiến khoảng 60-62 triệu tấn. Trong đó ước tính nhu cầu tiêu thụ nội địa khoảng 47-48 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 7-8 triệu tấn. Như vậy, so với công xuất thiết kế ngành xi măng năm nay dự báo sẽ dư thừa khoảng 6 triệu tấn.
Tiêu thụ sụt giảm mạnh
Sự khó khăn thời gian qua của ngành xi măng do tác động và bị ảnh hưởng nặng nề của chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa, dẫn đến đầu tư công giảm, thị trường bất động sản trầm lắng đã, cùng với đó là chi phí đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước giảm sút mạnh.
Dự báo tình hình dư thừa xi măng sẽ tiếp tục xảy ra trong những năm tới, nếu không có giải pháp quyết liệt như kích cầu tiêu thụ xi măng, rà soát lại quy hoạch đầu tư phát triển xi măng theo hướng giảm, hoặc giãn một số dự án xi măng.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dư thừa xi măng là do nguồn cung lớn hơn cầu trong xu thế nguyên liệu đầu vào liên tục tăng như than từ năm 2011 đến nay tăng 170%, điện tăng 19%, đầu tăng 40%. Lãi suất ngân hàng quá cao, tỷ giá ngoại tệ thay đổi, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng gặp khó khăn, dẫn đến tổng chi phí tài chính của ngành xi măng chiếm khoảng 25-30% giá thành.
Kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm mạnh, hàng tồn kho nhiều |
Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất xi măng từ đầu năm đến nay đều thua lỗ, sản phẩm tồn đọng, nguy cơ phá sản của một số đơn vị xi măng là hiện hữu.
Trong buổi Tọa đàm về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được BIDV tổ chức mới đây, Đại diện của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, trong 2 thập kỉ qua ngành xi măng đã nâng công suất thiết kế lên đến 87 triệu tấn/năm với 100 doanh nghiệp sản xuất và 71 dây chuyền lò quay. Hầu hết các doanh nghiệp đều khó khăn về vốn vay, các nhà máy xi măng bước vào thời kỳ rất khó khăn.
Vị này, dẫn ví dụ cụ thể của 3 nhà máy xi măng đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, điển hình là Nhà máy xi măng Cẩm Phả của Vinaconex, Nhà máy xi măng Hạ Long của Tổng Công ty Sông Đà và Nhà máy xi măng Coma,…
Theo báo cáo tài chính của Vinaconex đã được ĐHCĐ năm 2012 thông qua, Sau 3 năm hoạt động xi măng Cẩm Phả lỗ lũy kế lên đến 1.259 tỷ đồng. Năm 2011 Vinaconex đã phải trích lập dự phòng 586 tỷ đồng, và năm 2012 dự kiến tiếp tục trích lập dựphòng đầu tư tài chính vào xi măng Cẩm Phả khoảng 960 tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng lớn đến kết quả và kế hoạch lợi nhuận của Vinaconex. Hiện tổng các khoản nợ ngân hàng của VCG là 747,8 tỷ đồng trong đó riêng 488,8 tỷ đồng trả nợ thay cho xi măng Cẩm Phả.
Nhà máy Xi măng Hạ Long của Tổng Công ty Sông Đà được hoạt động vào năm 2010, nhà máy có tổng vốn đầu tư 6468 tỷ đồng. Sau 2 năm hoạt động, đến nay số lỗ lũy kế của nhà máy này lên tới 982 tỷ đồng. Hay nhà máy xi măng của Coma, cũng là một trong những nhà máy xi măng đang hoạt động không hiệu quả tháng 9/2011 đã lỗ lũy kế 149 tỷ đồng và hiện đã dừng hoạt động.
Chỉ sản xuất 80% công suất
Triển vọng sản xuất của ngành xi măng từ nay cho đến cuối năm chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Trước tình hình khó khăn đó, ngày 22/5, Hiệp hội Xi măng đã có Hội nghị đột xuất giữa các lãnh đạo công ty xi măng, để tìm ra giải pháp và sự hợp tác trong tình hình khó khăn hiện nay.
Theo đó, các lãnh đạo công ty Xi măng thống nhất chỉ sản xuất 80% công suất, đẩy mạnh xuất khẩu, cử ra một doanh nghiệp có uy tín dẫn dắt thị trường.
Đồng thời, Hiệp hội Xi măng Việt Nam có kiến nghị với Chính phủ:
-Rà soát lại việc quy hoạch phát triển ngành xi măng cho phù hợp với nhu cầu trong những năm tới.
Với các nhà máy đang xây dựng đến năm 2014 thì công suất lên đến 80 triệu tấn. Do vậy cần rà soát lại ngành xi măng đến 2020 lên 130 triệu tấn là phi thực tế.
-Tháo gỡ một số khó khăn hiện tại bằng cách giãn nợ các khoản vay nước ngoài, cơ cấu lại danh mục nợ; lùi thời hạn các khoản nợ vay trong nước đến hạn, hạ lãi suất cho vay xuống từ 10-12%, giảm thuế VAT còn 5%./.